Tuesday, February 23, 2021

Chay02 - Mắt đức tin giúp ta nhìn thấy bản chất «con cái Thiên Chúa» nơi những người sống chung quanh ta




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 02 Mùa Chay

(28-02-2021)


Mắt đức tin giúp ta nhìn thấy 
bản chất «con cái Thiên Chúa» 
nơi những người sống chung quanh ta



ĐỌC LỜI CHÚA


  TIN MỪNG: Mc 9,2-10

Đức Giêsu biến đổi hình dạng

(2) Khi ấy, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 

(3) Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. (4) Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. (5) Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng : «Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia». (6) Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 

(7) Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng : «Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người». (8) Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi. 

(9) Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. (10) Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu «từ cõi chết sống lại» nghĩa là gì.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Điều các tông đồ thấy nơi Đức Giêsu khi Ngài hiển dung trên núi khác với điều các ông thấy nơi Ngài hằng ngày ở chỗ nào? Trường hợp nào các ông thấy được bản chất của Ngài?
2.   Chúng ta cần hành xử với mọi người đúng theo bản chất con người họ, hay theo những gì chúng ta thấy ở bên ngoài? Bản chất đích thực và sâu xa nhất của mỗi người là gì?
3.   Bản chất đích thực của mọi người chung quanh ta – là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa – có hiện ra trước con mắt đức tin của ta không? Ta thường hành xử theo con mắt đức tin hay theo con mắt xác thịt?

Suy tư gợi ý:

1.  Bản chất và hiện tượng

Khi cứu xét một sự vật, dù lớn hay nhỏ, tâm hay vật, trừu tượng hay cụ thể… bất cứ triết lý nào, đông phương cũng như tây phương, đều nói đến và phân biệt hai phạm trù căn bản này: bản chất và hiện tượng.

Hiện tượng: là những gì hiện ra trước mắt mọi người, thấy được dễ dàng, và thường thay đổi, nay thế này mai thế khác. Chẳng hạn, đối với một người, thì hiện tượng là những gì liên quan đến hình dạng (như khuôn mặt, chiều cao, vẻ đẹp, mầu da), đến khả năng (như trình độ văn hóa, nghề nghiệp, chuyên môn, tài nghệ), đến tính nết (như quan niệm, tư tưởng, thói quen, các khuynh hướng), đến sở hữu (như sự giàu nghèo, của cải, nhà cửa), v.v…

Bản chất: là cái sâu thẳm bên trong, khiến cho một người là chính họ, hay một vật là chính nó. Bản chất chỉ thấy được bằng trí tuệ qua những nhận định từ các giác quan, và tương đối không thay đổi, hay ít thay đổi.




2.  Khi Đức Giêsu hiển dung, các tông đồ thấy được bản chất của Ngài

Khi sống với Đức Giêsu, các tông đồ chỉ thấy được những hiện tượng bên ngoài của Thầy mình: như thân xác, thói quen, lời nói, việc làm, với những lời giảng dạy, những phép lạ, v.v… Từ đó các ông dự đoán về bản chất của Thầy mình: trước hết Ngài là một Thầy Đạo vì Ngài dạy về đạo lý, tôn giáo; kế đến Ngài là người được Thiên Chúa sai đến, là người của Thiên Chúa, vì Ngài có thể nhân danh Thiên Chúa mà làm phép lạ, chữa bệnh, trừ quỉ… Sự hiểu biết của các ông về bản chất của Ngài chỉ là dự đoán, căn cứ trên những hiện tượng mà các ông thấy được, tuy đúng, nhưng chưa phải là bản chất đích thực và sâu xa của Ngài.

Nhưng vào thời điểm của bài Tin Mừng này, các ông được nhìn thấy nhãn tiền bản chất của Thầy mình qua những hình ảnh mang tính biểu tượng diễn ra trước mắt các ông. Ngài đứng giữa Môsê và Êlia, là hai nhân vật vĩ đại tiêu biểu cho Lề Luật và các ngôn sứ, là hai thực tại nền tảng của tôn giáo Do Thái. Đứng giữa hai ông, điều đó có nghĩa là Ngài lớn hơn hai ông. Toàn cảnh – với y phục rực rỡ, mây trắng bao phủ – biểu tượng cho sự vinh quang cùng tột của Ngài. Câu nói từ trong đám mây phán xuống cho các ông biết rõ bản chất đích thực của Ngài: «Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người» 
(Mt 9,7). Vậy thì Ngài chính là Con Thiên Chúa. Điều các ông thấy bằng mắt, nghe bằng tai về Thầy mình hôm nay là bản chất đích thực của Ngài, khác với bình thường các ông chỉ thấy những hiện tượng bên ngoài của Ngài.



3.  Chúng ta cần thấy được bản chất của chính mình, của tha nhân

Trong đời sống, chúng ta chỉ nhìn thấy được những hiện tượng bên ngoài của sự vật, của người này người nọ. Và qua những hiện tượng ấy, tâm trí ta tìm kiếm, khám phá ra bản chất của sự vật, của con người. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào những hiện tượng bên ngoài, sự phán đoán của ta về bản chất của sự vật hay của con người có thể sai lầm. Thấy được bản chất đích thực của người, việc, vấn đề ta gặp trong cuộc đời là điều hết sức quan trọng để chúng ta hành xử đúng, thích hợp.

Trong đời sống, rất nhiều khi chúng ta đối xử với người khác, theo những hiện tượng mà ta thấy được nơi họ, chứ không theo bản chất đích thực của họ. Hiện tượng là cái có thể thay đổi, nay còn mai mất, nay thế này mai thế khác: như của cải, tài năng, quyền lực… Thật vậy, nhiều người hôm trước còn giàu nứt khố đổ vách, hôm sau biến thành trắng tay. Nhiều người khi gặp lại sau nhiều năm xa cách, ta không ngờ được tính tình của họ đã đổi trắng thay đen quá nhanh chóng và sâu xa… Nói cụ thể hơn, nhiều khi cách chúng ta đối xử với tha nhân tùy thuộc vào sự giàu nghèo, vào quyền lực, vào tính nết của họ… Chúng ta không nhìn vào bản chất đích thực của họ và đối xử theo bản chất ấy.




4.  Bản chất đích thực của con người: là hình ảnh và là con cái của Thiên Chúa, được dựng nên giống như Ngài

Sự hiển dung của Đức Giêsu cho các tông đồ và cho cả chúng ta thấy bản chất đích thực của Ngài. Kinh Thánh, hay đức tin, cho ta biết bản chất đích thực và sâu xa nhất của ta và của những người mà ta gặp trong cuộc đời. Họ và ta đều được Thiên Chúa tạo dựng «theo hình ảnh của Ngài» (St 1,27; 9,6; Ep 4,24), «giống như Ngài» (St 1,26; 5,1), để trở thành «con cái Ngài» (Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10). Họ và ta đã được Thiên Chúa «ban tặng một điều rất quý báu và trọng đại» là «được thông phần bản tính của Ngài» (2Pr 1,4). Mà bản tính của Ngài là thần linh, nên khi «được thông phần bản tính của Ngài», một cách nào đó, họ và ta cũng mang bản tính thần linh nơi bản chất mình (x. Tv 82,6; Ga 10,35)

Đức tin Kitô giáo cho chúng ta thấy phẩm giá nội tại của con người thật hết sức cao cả. Nếu nhìn bằng con mắt đức tin, và thật sự hành xử đúng theo những gì đức tin đòi hỏi, chúng ta sẽ phải coi trọng chính bản thân mình và mọi người chung quanh ta biết bao!

Coi trọng bản thân đòi buộc ta phải sống thánh thiện, tốt lành, cao thượng xứng với bản chất cao quí của mình. Sống hèn hạ, tội lỗi không chỉ là tự khinh rẻ bản thân mình, mà còn giống như làm dơ bẩn hay chà đạp hình ảnh của Thiên Chúa. Một cách nào đó, đó là vũ nhục Thiên Chúa. Tương tự như con của một ông vua mà sống một cách hèn hạ, nhục nhã, mất phẩm giá, điều này làm mất mặt nhà vua, làm nhà vua phải xấu hổ trước mặt thần dân.

Coi trọng mọi người đòi buộc chúng ta phải cư xử với họ đúng với bản chất cao quí của họ. Bất cứ ai, hễ đã là người thì ta đều phải coi trọng, cho dù người đó hiện ra thế nào trong thế giới hiện tượng: nghèo nàn, dơ bẩn, hèn hạ, xấu xa, tội lỗi, hay có những hành vi bỉ ổi, đáng khinh… Dù họ thế nào, hễ đã là người, thì họ đáng kính trọng, chính vì bản chất của con người rất cao trọng. Luật pháp các nước nói chung đều cho việc cố ý giết người là một tội nặng, đáng chịu hình phạt nặng nhất, cho dù người bị giết là người có những hành vi hèn mạt hay tội lỗi đến đâu. Điều đó cho thấy luật pháp các nước đã nhìn nhận phẩm giá cao quí của con người, bất chấp con người thế nào.

Là người Kitô hữu, đúng ra ta phải luôn luôn thấy mọi người đều «hiển dung» trước con mắt đức tin của mình, nghĩa là ta phải thấy được bản chất đích thực rất cao quí của mọi người. Nếu ta thật sự tôn trọng và yêu mến Thiên Chúa, thì tất nhiên ta phải tôn trọng và yêu mến con cái của Ngài, hình ảnh của Ngài, là những con người cụ thể chung quanh ta. Thiên Chúa thì vô hình, nhưng hiện thân của Ngài thì rất hữu hình bên cạnh ta, chung quanh ta. Nếu ta không tôn trọng và yêu mến những hiện thân cụ thể ấy của Ngài, thì sự tôn trọng và yêu mến Ngài nơi ta chỉ là một ảo tưởng. Thánh Gioan nói: «Nếu ai nói : "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20).




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, việc Đức Giêsu hiển dung trước mắt các tông đồ khiến các ông nhìn thấy bản chất đích thực và cao trọng của Ngài là Con Thiên Chúa. Nếu con mắt đức tin của con còn trong sáng, tinh nhuệ, ắt con cũng thấy mọi người chung quanh con «hiển dung» trước mắt con với bản chất rất cao trọng của họ: là hình ảnh và là con cái của Cha. Xin cho con biết biểu lộ lòng yêu mến và tôn trọng Cha một cách cụ thể qua việc yêu thương và quí mến những người đang sống chung quanh con, bất chấp họ là người thế nào.

Nguyễn Chính Kết

Friday, February 19, 2021

Chay01 - Thử thách và cám dỗ cần thiết thế nào trong đời sống tâm linh?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 01 Mùa Chay

(21-02-2021)


Thử thách và cám dỗ
cần thiết thế nào
trong đời sống tâm linh?




ĐỌC LỜI CHÚA


  TIN MỪNG: Mc 1,12-15

Đức Giêsu chịu cám dỗ trước khi công khai rao giảng Tin Mừng

(12) Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. (13) Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.  (14) Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (15) Người nói: «Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng».





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao trước khi Đức Giêsu bước ra đời để loan báo Tin Mừng, Thánh Thần lại đẩy Ngài vào hoang địa để Ngài chịu cám dỗ? Việc đó có cần thiết hay ích lợi cho Ngài hoặc cho ai không? Mục đích của Thánh Thần là gì?
2. Bị cám dỗ là điều tốt hay xấu? Cám dỗ hay thử thách có cần thiết cho việc nên thánh của ta không? Tại sao? Trước mặt Thiên Chúa, một người giả như chưa hề phạm tội vì chưa bị cám dỗ bao giờ có thánh thiện hơn người đã từng phạm tội vì tuy đã chống trả mãnh liệt nhưng lại thất bại không?
3. Không nhờ cám dỗ, không nhờ thử thách, ta có thể xác định sự thánh thiện hay đạo đức của mình hay của một ai không? Tại sao?
4. Cám dỗ hay thử thách là cần thiết, vậy có nên tự tìm cho mình những dịp để «được» cám dỗ không? Tại sao?


Suy tư gợi ý:

1.  Đức Giêsu chịu thử thách trước khi ra đi loan báo Tin Mừng

Cám dỗ là một điều cần thiết trong cuộc sống để chúng ta có thể chứng tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa

Thật vậy, làm sao ta có thể biết tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân, tinh thần siêu thoát, lòng đạo đức của ta cao hay thấp và ở mức độ nào, nếu ta không được thử thách? Tương tự như nếu không dùng lửa hay axít để thử, làm sao ta có thể biết được những đồ trang sức của ta là vàng thật hay vàng giả, là nguyên chất hay bị pha tạp? và nếu bị pha tạp thì pha tạp ở mức độ nào? 

Để biết rõ một người trước khi dùng người đó, nhất là vào những chức vụ quan trọng, giám đốc nhân sự của các công ty thường thử tay nghề, thử lương tâm, thử bản lãnh, thử mức độ đáng tín nhiệm của người đó bằng nhiều phương cách khác nhau. Ông có thể dàn dựng khéo léo những cơn cám dỗ. Nhờ những thử thách đó, chẳng những viên giám đốc công ty biết rõ người mình muốn tuyển chọn, mà chính bản thân người được thử thách ấy cũng biết rõ tài đức của mình hơn. Những người đã qua được thử thách một cách thành công chắc chắn sẽ cảm thấy tự tin hơn và dễ đạt được thành quả tối ưu trong công việc của mình. Như vậy, thiết tưởng việc thử thách để biết bản lãnh về tài và đức của mình hay của người là một việc cần thiết và hết sức dễ hiểu.

Quan niệm như thế, ta thấy việc «Thần Khí đẩy Đức Giêsu vào hoang địa» để «chịu Xatan cám dỗ» trong «bốn mươi ngày» (x. Mc 1,12-13) trước khi Ngài khai mạc công việc rao giảng Tin Mừng, là một việc dường như tất yếu phải có. Qua thử thách đó, Đức Giêsu có dịp tỏ ra cho Thiên Chúa và mọi người thấy bản lãnh của Ngài để có thể đảm trách công việc loan báo Tin Mừng và cứu chuộc nhân loại.




2.  Thử thách và cám dỗ rất cần thiết trong đời sống chúng ta

Trong mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta ý thức về tình trạng yếu kém, tội lỗi, đầy khiếm khuyết trong con người hiện tại hay «con người cũ» – vốn «bị tội lỗi thống trị» – của chúng ta (Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 6,6). Từ đó, ta mới quyết tâm «cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa» (Thư Êphêsô 4,22; x. Thư Côlốssê 3,9) để «mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa hầu thật sự sống công chính và thánh thiện» (Thư Êphêsô 4,24)

Nhiều khi chúng ta ý thức và tự xưng rằng mình tội lỗi, dù rất thật lòng, nhưng ý thức về tình trạng tội lỗi ấy nhiều khi hết sức mơ hồ. Chúng ta không biết mình tội lỗi thế nào, ở mức độ nào, tội lỗi ở chỗ nào… Chính vì thế, chúng ta không biết đường nào mà sửa mình, để rồi cuối cùng, chúng ta chẳng sửa đổi gì cả, nghĩa là «mèo vẫn hoàn mèo». May thay, nhờ có những cám dỗ xảy đến trong đời sống mà ta biết được mình tội lỗi thế nào, ở mức độ nào.

Cũng có nhiều khi ta tưởng mình đạo đức, thánh thiện, vì ta cảm thấy mình rất ít khi lỗi luật của Chúa hay của Giáo Hội. Ta có cảm tưởng ta rất tốt với bạn bè, với những người chung quanh ta, vì ta thấy mình cư xử rất lịch thiệp với họ, không hề đụng chạm tới quyền lợi họ, hay không hề cư xử bất công với họ… Ta cũng giống như Phêrô và các tông đồ xưa, nghĩ mình là người luôn luôn trung thành với Đức Giêsu bất kỳ trong hoàn cảnh nào. Thật vậy, trước khi chịu tử nạn, Đức Giêsu báo trước rằng các môn đệ sẽ bỏ rơi Ngài, và Phêrô sẽ chối Ngài thì Phêrô nói «chắc như bắp»: «Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã» (Mt 26,33) «Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy» (Mt 26,35). Khi nói như thế, các ông rất thành thật, không một chút dối trá. Nhưng các ông không thể ngờ được phản ứng của các ông sau này khi Đức Giêsu bị bắt: «Các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết» (Mt 26,56), còn Phêrô, người tỏ ra sẵn sàng sống chết với Thầy mình nhất thì «gà chưa kịp gáy ông đã chối Thầy tới ba lần» (Mt 26,75).

Nhiều khi thứ đạo đức hay trong sạch của ta tương tự như độ trong của một ly nước múc từ dưới bùn lên, nhưng đã được để lắng trong nhiều ngày. Phần trên của ly nước cũng trong vắt không kém gì một ly nước suối. Nhưng khi quậy lên thì nước trong ly đục ngầu đang khi ly nước suối có quậy đến đâu cũng vẫn tiếp tục trong vắt. Nếu không quậy lên, người ta có cảm tưởng nước ở trong cả hai ly tốt như nhau. Nếu không quậy lên, làm sao biết được ly nào là trong thật sự? Cũng vậy, nếu không có cám dỗ, làm sao biết được ai đạo đức sâu xa, ai đạo đức chỉ ở bề mặt?




3.  Chỉ biết mình đạo đức hay không qua những cám dỗ thử thách

Nguyễn Công Trứ viết: «Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai». Thật vậy, nếu cuộc đời của mọi người đều an bình, thuận buồm xuôi gió cả, thì người có bản lãnh sẽ hành xử chẳng khác gì người không bản lãnh. Nếu các đồ vàng bạc không được thử bằng lửa hay axít thì chẳng sao phân biệt được vàng thật hay vàng giả. Cũng vậy, chính trong cơn hoạn nạn ta mới biết được ai là bạn tốt, bạn thật của ta. Người Mỹ có câu: «Friend in need, friend indeed» (nghĩa là: Bạn bè trong cơn hoạn nạn mới là bạn thật). Tương tự, chỉ khi gặp những biến cố, những hoàn cảnh khó khăn, ta mới biết được ta có đạo đức hay không. Muốn biết đạo đức của ta ở mức độ nào, ta cần phải tự xét xem phản ứng của ta thế nào…

– khi quyền lợi của ta bị va chạm một cách bất công: lúc đó ta nổi sùng lên và chửi rủa loạn xạ? hay ta bình tĩnh xét xem nguyên nhân tại đâu, suy nghĩ xem có thể giải quyết cách nào cho đẹp nhất, khôn ngoan nhất, bác ái nhất?

– khi có một quyền lợi nào đó không thể phân chia xảy đến giữa ta và người bạn của ta: lúc đó ta quyết dành quyền lợi ấy về cho mình? hay biết nhường cho bạn? Epictète đưa ra hình ảnh hai con chó có vẻ quấn quít và yêu thương nhau lắm. Nhưng khi có ai quăng cho chúng một cái xương, thì chúng quay ra cắn nhau sứt đầu chảy máu. Như vậy có thật là chúng yêu thương nhau không? Làm sao biết được chúng có yêu thương nhau thật sự không nếu không có miếng xương để thử?

– khi đứng trước một người gặp nguy khốn đang cần cứu giúp, nhưng nếu cứu giúp thì ta sẽ phải hy sinh rất nhiều: lúc đó ta sẽ cứu giúp người ấy bất chấp phải hy sinh? hay sẽ nhường việc cứu giúp ấy cho người khác?

– khi đứng trước những bất công trước mắt mà việc lên tiếng của ta có thể chặn đứng hay giảm bớt phần nào, nhưng nếu lên tiếng thì ta sẽ bị sách nhiễu, công việc của ta sẽ bị cản trở: lúc đó ta sẽ coi sự đau khổ của đồng loại quan trọng hơn sự thoải mái cá nhân ta? hay ngược lại?

– khi mà nồi cơm của ta và gia đình ta bị đe dọa nếu ta làm theo lương tâm, và làm theo lương tâm sẽ cứu được biết bao nồi cơm của những gia đình khác: lúc đó ta sẽ coi những nồi cơm của vô số gia đình kia quan trọng hơn nồi cơm của gia đình mình? hay ngược lại?

– khi có hai người giàu và nghèo đến với ta một lúc, người giàu đem lại nhiều lợi lộc cho ta, còn người nghèo đến để nhờ ta một việc khá khó khăn: lúc đó ta sẽ đối xử với hai người một cách niềm nở như nhau? hay ta sẽ đối xử một cách phân biệt hết sức rõ rệt?

– v.v… và v.v... 
 
Rất nhiều người tưởng mình tốt lành thánh thiện chỉ vì thấy mình chưa hề phạm một lỗi nào quá đáng, rồi dựa trên sự vô tội của mình họ chê bai người khác đã phạm lỗi này tội kia. Thật ra họ chỉ là người chưa phạm tội vì chưa phải ở trong những hoàn cảnh khó khăn, nhiều cám dỗ, chứ không phải họ là những người khó có thể phạm tội. Rất có thể khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, những cơn thử thách, họ còn phạm tội nặng nề hơn những người đã từng bị họ chê trách, mặc dù hoàn cảnh khó khăn hay sự thử thách của họ chẳng nặng nề bằng những người kia. 

Sự thánh thiện đạo đức phải dựa trên khả năng không phạm tội khi bị cám dỗ, chứ không chỉ đơn thuần dựa trên tình trạng vô tội trong hiện tại chỉ vì chưa gặp cám dỗ.

Nhiều người tự hào khoe mình bản lãnh lắm, hoặc được mọi người coi là đã tiến rất xa trên con đường nhân đức chỉ vì tu hành đã lâu năm, hay vì được nắm giữ những chức vụ quan trọng trong Giáo Hội, v.v… Nhưng khi gặp những thách đố, khi phải đối đầu với những cám dỗ chưa từng gặp, họ mới nhận ra bản lãnh của mình còn non kém, hay đường nhân đức của mình mới chỉ ở giai đoạn đầu.

Như đã nói trên, cám dỗ và thử thách rất cần thiết cho việc nên thánh của ta. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ta nên tự tìm cho mình những cám dỗ. Trái lại, sự khôn ngoan đòi buộc ta phải tránh xa các dịp tội, những điều kiện hay cơ hội khiến ta có thể phạm tội. Câu «dĩ đào vi thượng sách» là một phương cách rất hay trong việc tu đức hay nên thánh. Và cũng nên nhớ lời khuyên của Phaolô: «Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã» (Thư thứ nhất Côrintô 10,12)

Nhưng khi những cám dỗ tình cờ xảy đến ngoài ý muốn của ta, ta nên sẵn sàng đón nhận, và hãy chiến đấu một cách dũng cảm, quảng đại. Rồi dù thắng hay bại, ta cũng hãy coi chúng như những hồng ân Chúa ban để giúp ta hiểu rõ mình hơn, khiêm nhường hơn, giúp ta xác định đúng hơn mình đang ở vị trí nào trên con đường nên thánh. Trong Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu chỉ khuyên ta xin Chúa Cha «chớ để con sa chước cám dỗ», nghĩa là đừng để ta thua những cơn cám dỗ, chứ không hề xin Chúa Cha đừng thử thách ta hay đừng gửi những cám dỗ đến với ta.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nhiều khi con thầm tự hào về mình, tưởng mình đã đạo đức hay thánh thiện lắm rồi. Nhưng lắm khi chỉ cần gặp những cơn cám dỗ hơi bất thường một chút, con đã ngã gục. Con cám ơn Cha đã gửi những cám dỗ ấy đến để con ý thức về bản lãnh của con một cách chính xác hơn, nhờ đó con khiêm nhường hơn, và biết cảm thông với những yếu đuối của đồng loại hơn.

Nguyễn Chính Kết



Friday, February 12, 2021

TN06 - Thái độ yêu thương và tôn trọng của Đức Giêsu đối với những người xấu số




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 6 Thường Niên

(14-02-2020)


Thái độ yêu thương và tôn trọng của Đức Giêsu
đối với những người xấu số


► Video: ?? 



ĐỌC LỜI CHÚA

  TIN MỪNG: Mc 1,40-45

Ðức Giêsu chữa người bị phong hủi

Khi ấy, (41) có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. (41) Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: Tôi muốn anh được sạch! (42) Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. (43) Nhưng Người nghiêm giọng yêu cầu anh đi ngay, (44) và bảo anh: Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết. (45) Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.  So với những người Do Thái thường tình, cách đối xử của Ðức Giêsu đối với những người cùi hủi có gì khác lạ? Ta có thể rút ra bài học gì về cách xử sự với những người xấu số, bị người đời khinh ghét, ghê tởm?

2.  Ðức Giêsu có phân biệt đối xử dựa trên giàu nghèo, sang hèn không? Sự phân biệt đối xử như thế chứng tỏ một tình trạng tâm linh thế nào?

3.  Tại sao Ðức Giêsu lại yêu cầu người cùi được Ngài chữa lành đừng nói gì về việc Ngài đã làm cho anh ta?

4.  Làm được một việc lành mà lại muốn khoe cho người khác biết thì ta được lợi gì về mặt tâm linh? Thiên Chúa đánh giá việc làm của con người dựa trên cái gì? 



Suy tư gợi ý:

1.  Thái độ của Ðức Giêsu đối với những người bệnh cùi: yêu thương và tôn trọng người xấu số

Bệnh cùi là một bệnh rất dễ lây truyền, mà ở vào thời Ðức Giêsu, lại là một bệnh nan y không có thuốc chữa. Nếu không có biện pháp cách ly những người bệnh cùi khỏi những người không bệnh, thì thật là nguy hiểm cho xã hội. Vì thế, luật Môsê (x. Lv 13,1-14,57) chủ trương buộc những người lãnh đạo trong dân phải cô lập họ ở một nơi nhất định, thường là hẻo lánh, đồng thời tuyên bố những người nhiễm bệnh này là người ô uế, để mọi người tránh xa họ. Ai tiếp xúc với họ thì cũng trở thành ô uế. Nhưng người cùi nhiều khi lại không chịu ở nơi qui định cho họ, mà lại hay đi lang thang để xin ăn, hoặc tìm cách gặp thân nhân của mình. Vì thế, để buộc họ phải tránh xa mình, một số dân chúng đã ném đá họ khi gặp họ trên đường đi. Do đó, người bị bệnh cùi phải sống một cuộc sống hết sức cô đơn, khốn khổ, thiếu thốn, và đầy mặc cảm vì bị mọi người ghê tởm, xa lánh.

Nhưng theo Ðức Giêsu, dù thân hình họ xấu xa gớm ghiếc, họ vẫn là con cái Thiên Chúa, là con cháu của Ápraham, là đồng bào ruột thịt, nên họ vẫn là anh chị em với mình. Vì thế, mình cần phải yêu thương họ, phải đối xử với họ bằng tình thương. Vả lại, không vì hình thể gớm ghiếc bên ngoài mà giá trị con người của họ bị suy giảm trước mặt Thiên Chúa. Ðối với Ðức Giêsu, người biết nhìn vào chiều sâu của tâm hồn con người, thì họ không đáng gớm ghiếc và xa lánh cho bằng những người cùi hủi về mặt tâm linh

Cùi hủi tâm linh là tình trạng của những con người sống không biết đến tình nghĩa, sống ích kỷ, chỉ nghĩ tới hạnh phúc hay đau khổ của một mình mình hay của gia đình mình, không hề nghĩ đến hạnh phúc hay đau khổ của người khác, hay của những gia đình khác. Họ sẵn sàng có những hành động bỉ ổi để đè nén hay áp chế người khác, và cách hành động của họ thường là ném đá dấu tay, khẩu Phật tâm xà. Càng là người trí thức, càng có địa vị cao trong tôn giáo và xã hội, sự cùi hủi này càng được ngụy trang một cách tinh vi, khéo léo bằng những lời nói, hành động vị tha, bằng vẻ đạo đức bên ngoài (x. Mt 23). Ðức Giêsu càng tỏ ra an ủi vỗ những người cùi hủi thể chất bao nhiêu, Ngài càng không tiếc lời khiển trách những người cùi hủi tâm linh bấy nhiêu, thậm chí đến cạn tàu ráo máng (x. Mt 23).

Khi người cùi hủi đến cầu cứu Ðức Giêsu, Ngài không hề tỏ ra ghê tởm hay xúc phạm đến anh. Trái lại, Ngài chạnh lòng thương và giơ tay đụng vào người anh và nói: «
Tôi muốn anh được sạch!» (Mt 1,41) Ta đừng vội nghĩ rằng Ngài là Thiên Chúa nên Ngài không sợ lây nhiễm, hay có lây nhiễm thì Ngài sẽ dùng phép lạ để tự chữa. Tôi nghĩ rằng Ngài là người thật sự, đúng nghĩa một con người, nghĩa là có thể bị lây nhiễm như bao người khác. Và nếu bị lây nhiễm, không hẳn Ngài sẽ dùng quyền phép Thiên Chúa để tự chữa cho mình, cũng như Ngài đã không lạm dụng quyền năng Thiên Chúa để biến đá thành bánh mà ăn khi đói (x. Mt 4,2-4), hay để trốn thoát khi bị bắt (Mt 26,47-56), v.v... 

Tốt hơn, nên nghĩ rằng Ngài đối xử với anh ta bằng một tình yêu chân thành nhất, bằng sự tôn trọng đúng nghĩa nhất của một con người đối với một con người, bất chấp phải trả giá đắt. Và đó là điều ta nên noi gương Ngài khi đối xử với mọi người, nhất là với những người xấu số, bị xã hội coi thường, khinh bỉ. Ðạo đức của ta có hay không, ít hay nhiều hệ tại điều này. Sự phân biệt đối xử căn cứ trên giàu nghèo, sang hèn chứng tỏ một tâm hồn nghèo nàn về đạo đức và tâm linh.



2.  Thái độ của Ðức Giêsu: không muốn ai biết về mình

Bài Tin Mừng cho thấy, sau khi chữa lành căn bệnh nan y như thế, Ngài nói với người được chữa lành: «Ðừng nói gì với ai cả» (Mc 1,44) . Ðó là một thái độ thường hằng của Ngài sau khi làm được một điều gì đáng khen ngợi, thậm chí đến kinh ngạc: Ngài không muốn được người khác biết đến (x. Mt 8,4; 16,20; 17,9; Mc 1,34; 1,44; Lc 4,41), trừ phi vì ích lợi cho họ (chẳng hạn để họ được cứu rỗi). Ngài đã áp dụng đúng điều Ngài khuyên mọi người: «Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm» (Mt 6,1.3).

Thử đặt mình vào địa vị của Ngài khi làm xong một việc mà không ai làm được, ta sẽ cảm thấy ta muốn được nổi tiếng, được mọi người ca tụng hay khen ngợi, hầu đi tới đâu ta cũng được khâm phục, kính trọng và được đối xử một cách đặc biệt. Ta cũng mong có những đặc quyền đặc lợi vì những việc phi thường đã làm được. Khi viết được một bài báo hay, giảng được một bài mà ta đoán được nhiều người tâm đắc, làm được một việc tốt, ta mong chờ những lời khen ngợi. Nếu không được khen, ta cảm thấy như bị hụt hẫng, lòng không thỏa mãn. Ta muốn cái tôi của ta được phình to lên, to hơn những người khác.

Xét trên bình diện tự nhiên, đó là một khuynh hướng rất thường tình, rất phổ quát, khá lành mạnh, nó tạo nên động lực để ta cố gắng, nỗ lực hết mình. Tuy nhiên, nếu để khuynh hướng tự nhiên này ảnh hưởng quá đáng trên tất cả mọi việc làm, đến nỗi nó trở thành động lực duy nhất thúc đẩy ta hành động tốt, thì ta trở nên một con người rất tầm thường, dù ta có làm được những việc phi thường. Lúc đó, ta làm mọi sự chỉ là để được khen, được nổi tiếng, một mục đích hoàn toàn vị kỷ, chứ không còn vì yêu thương, vì ích lợi cho người khác nữa.

Còn xét trên bình diện siêu nhiên, khuynh hướng này có thể trở thành một mầm nguy hại cho sự phát triển tâm linh, đạo đức. Theo định luật của tâm linh, muốn cho tâm linh lớn lên, phát triển, thì cái tôi phải nhỏ đi, nghĩa là phải sống tinh thần tự hủy, tự xóa mình, quên mình. Ðời sống tâm linh càng cao, thì động lực thúc đẩy ta hành động càng phải vị tha, càng phải vô kỷ, vô công, vô danh (nghĩa là không làm vì mình, làm xong không cậy công, không mong được người khác biết mình đã làm).




3.  Cách Thiên Chúa đánh giá việc làm của con người

Sự thánh thiện của một người được đánh giá theo mức độ vị tha, quên mình khi hành động. Ðộng lực thúc đẩy hành động của một người thánh thiện chính là tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Càng thánh thiện thì động lực thúc đẩy càng phải thuần túy là tình yêu hơn, và càng ít tính chất vị kỷ đi. Chính tình yêu làm cho hành động - dù nhỏ hay lớn - trở nên có giá trị trước mặt Thiên Chúa. 

Thánh Phaolô viết: «Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có tình yêu, thì tôi cũng chẳng là gì cả. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không vì yêu thương, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,2-3). Như thế, những việc có vẻ đầy tình thương như đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, nếu ta làm chỉ vì mong được tiếng là đạo đức, là thương người, hay để được một lợi ích nào đó cho bản thân ta, chứ hoàn toàn không vì yêu thương, thì chẳng có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa. Nó chẳng phải là một việc đạo đức, mặc dù có vẻ rất đạo đức.

Câu nói trên của thánh Phaolô cho thấy: một việc làm dù rất nhỏ như quét nhà, giặt giũ, nấu bếp của một người vợ hay người con trong nhà, nếu được làm với tâm tình yêu mến Thiên Chúa, nhằm làm cho những người thân yêu của mình tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, thì có thể có giá trị rất lớn trước mặt Thiên Chúa. Những việc làm nhỏ bé được làm với tình yêu ấy rất có thể giá trị trước Thiên Chúa hơn cả những việc làm hết sức lớn lao của những bậc vị vọng trong xã hội cũng như Giáo Hội, nếu những người này làm chỉ vì muốn được danh tiếng, được thăng quan tiến chức, chứ không phải vì yêu thương.

Cứ xem cách đánh giá của Ðức Giêsu khi quan sát những người bỏ tiền vào thùng dâng cúng cho đền thờ thì thấy rõ cách định giá trị của Thiên Chúa đối với các việc làm của con người: Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết (x. Mt 12,41-44). Cách Ngài đánh giá khác hẳn với cách của con người. Ngài dựa trên tấm lòng, động lực thúc đẩy hành động, chứ không dựa trên hiện vật hay kết quả của hành động. Cùng một việc làm, nhưng động lực tình yêu càng lớn, thì giá trị công việc càng cao. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể đánh giá chính xác giá trị của một hành động, vì chỉ Ngài mới biết rõ động lực thúc đẩy của hành động ấy là gì.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Ðức Giêsu luôn luôn tự đồng hóa Ngài với tha nhân của con, nhất là với những người bé mọn, đau khổ nhất (x. Mt 25,40.45; Lc 9,48). Xin cho con biết yêu thương và cư xử với những người bị thế gian coi thường ấy như với chính Cha và Ðức Giêsu vậy.

Nguyễn Chính Kết

Wednesday, February 3, 2021

TN05 - Tình thương cao độ có thể khiến người Kitô hữu làm được những việc phi thường




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 05 Thường Niên

(07-02-2021)

Tình thương cao độ
có thể khiến người Kitô hữu
làm được những việc phi thường


► Video: ??



ĐỌC LỜI CHÚA


  TIN MỪNG: Mc 1,29-39

Đức Giêsu chữa nhạc mẫu ông Simôn

(29) Vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simôn và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. (30) Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. (31) Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Đức Giêsu chữa cho nhiều người

(32) Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. (33) Cả thành xúm lại trước cửa. (34) Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

Đức Giêsu đi khắp miền Galilê

(35) Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. (36) Ơng Simôn và các bạn kéo nhau đi tìm. (37) Khi gặp Người, các ông thưa: «Mọi người đang tìm Thầy đấy!» (38) Người bảo các ông: «Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó». (39) Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Có phải Đức Giêsu đến trần gian để cứu chữa những người bệnh hoạn, tật nguyền, quỷ ám không? Sứ mạng của Ngài là gì? Tại sao Ngài làm những việc ấy? 
2. Bạn có nghĩ rằng: nếu mình mà làm được phép lạ như Đức Giêsu, mình cũng sẽ chữa bệnh, trừ quỉ… và đi tới đâu cũng sẽ thi ân giáng phúc tới đó y như Ngài vậy? hiện nay mình chỉ kém Ngài vì không có bản tính Thiên Chúa thôi? 
3. Theo bạn thì tình thương làm nên phép lạ, hay phép lạ làm nên tình thương? Nói cụ thể hơn, muốn giúp người, điều quan trọng nhất là có tình thương hay có tài năng? Tình thương làm nên tài năng, hay tài năng làm nên tình thương?


Suy tư gợi ý:

1. Dù quan tâm hàng đầu là loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu luôn cứu giúp mọi người theo sự thúc đẩy của tình thương.  

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu chữa các bệnh tật, các chứng quỷ ám. Trong cuộc đời công khai, Ngài đã từng chữa lành biết bao nhiêu con bệnh thuộc đủ mọi loại, biết bao người bị quỷ ám, và làm một số người chết sống lại, v.v… Điều đó khiến nhiều người có cảm tưởng rằng Ngài là một chuyên gia chữa bệnh, chữa quỷ ám. Thật ra không phải như vậy! 

Ngài đến thế gian chủ yếu không phải để làm những việc ấy, mà để cứu chuộc toàn nhân loại và loan báo Tin Mừng cho họ. Tuy nhiên, khi thực hiện sứ mạng ấy, Ngài đã phải đối diện với biết bao nhiêu cảnh đau thương của con người, về tinh thần cũng như thể chất. Tình thương chan chứa của Ngài đối với con người khiến Ngài biết bao lần «chạnh lòng thương» và ra tay cứu giúp (x. Mt 9,36; 14,14; 15,32; Mc 1,41; Lc 7,13). Sách Công vụ Tông đồ còn cho biết: «Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người» (Cv 10,38)

Điều chúng ta cần noi gương Ngài không phải là việc chữa bệnh hay làm điều gì, mà chính là khả năng «chạnh lòng thương» trước những đau khổ của tha nhân. Khi đã biết «chạnh lòng thương», thì tình thương sẽ thúc đẩy và dần dần tạo cho ta khả năng hành động phù hợp với sự đòi hỏi của tình thương. Thiết tưởng tất cả mọi Kitô hữu muốn thật sự là Kitô hữu đều phải biết «chạnh lòng thương», biết nhạy cảm trước những đau khổ, trước những cảnh thương tâm đang xảy ra cho những người chung quanh, đồng thời quyết tâm ra tay hành động theo sự thúc đẩy của tình thương. Sự nhạy cảm do tình thương ấy chính là dấu hiệu chắc chắn cho biết Thiên Chúa đang thật sự ở với chúng ta, trong chúng ta. Ai không nhạy cảm như thế là dấu chứng tỏ họ không có Thiên Chúa – là Tình Thương – ở nơi mình: «Ai không yêu thương anh em mình thì không thuộc về Thiên Chúa» (1Ga 3,10; x. 3,17; 4,8).




2.  Vì yêu thương và dấn thân hết mình mà Ngài làm nên những phép lạ

a) Có phải vì Ngài làm phép lạ dễ dàng, nên Ngài tỏ tình thương với mọi người cũng dễ dàng chăng?

Nếu ít hiểu biết về Đức Giêsu, chúng ta có thể nghĩ rằng: Đức Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có quyền năng làm phép lạ, có khả năng chữa bệnh, đuổi quỷ, nên Ngài tha hồ mà «thi ân giáng phúc» ở bất cứ nơi nào Ngài đến. Đối với Ngài, việc «thi ân giáng phúc» quả là quá dễ dàng, Ngài có mất mát hay thiệt thòi gì đâu? 

Còn ta, hễ giúp đỡ ai, làm cho ai hạnh phúc hơn là ta phải mất mát, hy sinh, phải chịu thiệt thòi, phải chấp nhận đau khổ. Nếu Ngài cũng bị hạn chế như ta, làm sao Ngài có thể «thi ân giáng phúc» không cần tính toán như thế được? Nếu ta cũng làm được phép lạ như Ngài, ta cũng sẽ «thi ân giáng phúc» cho mọi người đâu kém gì Ngài!

b) Phải chăng vì Ngài yêu thương tha nhân hết mình, nên Ngài mới có nhiều khả năng cứu giúp người khác như vậy? 

Nghĩ rằng Ngài làm được nhiều phép lạ như vậy là nhờ quyền năng thần linh của Ngài quả rất có lý! Nhưng theo thiển ý tôi, người viết bài này, nghĩ ngược lại cũng có thể có lý không kém. Nghĩa là: không phải vì Ngài có khả năng làm phép lạ nên Ngài tỏ tình yêu thương một cách dễ dàng; mà ngược lại, chính vì Ngài yêu thương hết mình, và cũng hết mình muốn ra tay cứu giúp người khác, nên Ngài mới làm được những phép lạ như thế. Cách nghĩ sau có vẻ hợp với Kinh Thánh hơn.

c) Đức Giêsu, Thiên Chúa Nhập Thể, có những giới hạn của Ngài 

Rất nhiều người nghĩ: Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, mà đã là Thiên Chúa thì ắt Ngài phải biết hết, làm được hết, có đầy đủ mọi nhân đức, ở trong tình trạng hoàn hảo, chẳng cần tập tành khổ luyện gì hết. Nghĩ như thế không phải là không có lý. 

Nhưng rất có thể họ quên rằng Đức Giêsu là một «Thiên Chúa Nhập Thể», nghĩa là một «Thiên-Chúa-làm-người». Khi nhập thể thì Thiên Chúa vô hạn và tuyệt đối đã mặc lấy thân phận hữu hạn và tương đối của con người (x. Pl 2,6-9). Chẳng hạn, là Thiên Chúa vô hạn, Ngài có thể hiện diện cùng một lúc ở khắp nơi, nhưng cũng chính Thiên Chúa ấy, khi nhập thể, mặc lấy thân phận hữu hạn của con người, thì Ngài không thể ở khắp nơi cùng một lúc như thế. 

Thiên Chúa và Đức Giêsu chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng Thiên Chúa ấy đã mặc lấy hai cách hiện hữu khác nhau: một đằng là thần linh, vô hạn, bất biến, tuyệt đối; một đằng là con người, hữu hạn, vô thường và tương đối… Nếu không như thế thì đâu còn là nhập thể nữa! 

d) Kinh Thánh nói về Đức Giêsu

Thánh Phaolô đã nói về sự giới hạn và yếu đuối của Đức Giêsu như sau: Ngài «mang thân phận yếu hèn» (2Cr 13,4; x. 1Tm 3,16); «Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện» (Dt 2,17); «Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội» (Dt 4,15). Thiên Chúa đã «sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta» (Rm 8,3b). Ngài phải chịu ma quỉ  cám dỗ (x. Mt 4,1-11) và chắc chắn cũng phải chiến đấu để thắng nó. Trong việc Ngài cảm thấy sợ hãi đến đổ mồ hôi máu khi nghĩ đến cuộc tử nạn sắp tới, ta thấy ngay thân phận yếu hèn của một con người ở nơi Ngài, và thấy Ngài cũng phải chiến đấu rất cam go mới thắng vượt được bản thân yếu đuối mà vâng theo thánh ý Chúa Cha (x. Lc 22,41-44).

Khi Ngài còn nhỏ, rất có thể Mẹ Maria cũng phải tập cho Ngài ăn, nói, đi đứng và dạy cho Ngài biết đọc, viết, tính toán như bao người mẹ khác tập cho con mình. Ngài cũng phải cố gắng vất vả khi phải học cho thuộc những bài học, khi làm những bài luyện tập… Ngài cũng phải học thánh Giuse mới biết làm thợ mộc, và khi làm việc cũng cảm thấy mệt mỏi và vất vả. Những gì Ngài có được – như sự hiểu biết, các nhân đức, sự hoàn hảo – không phải sẵn có nơi Ngài do bản tính thần linh vô hạn của Ngài, mà theo thánh Phaolô, Ngài cũng phải học, phải luyện tập với bao gian lao cực khổ không khác gì chúng ta: «Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5,8); «Thiên Chúa (…) đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổtrở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ» (Dt 2,10). Cũng thế, Ngài có được những giá trị cao quý ấy phần nào do quyết tâm thực hiện bằng ý chí yếu đuối của con người ở nơi Ngài.

e) Những phép lạ Ngài làm rất có thể là do tình thương cao độ của Ngài

Trong chiều hướng ấy, ta cũng có thể nghĩ rằng những phép lạ Ngài làm được để cứu giúp người khác một phần đến từ Thiên Chúa, nhưng một phần khác là do tình yêu cao độ và sự dấn thân hết mình của Ngài cho tha nhân. Điều này phù hợp với kinh nghiệm bình thường của con người: chẳng hạn biết bao người mẹ bất tài mà chỉ vì tình thương bao la đối với con mà làm được những chuyện phi thường; những người có tình thương bao la rộng rãi thường phát triển khả năng nhiều hơn những người khác.



3.  Đừng sợ mình không có khả năng, hãy sợ mình không đủ tình thương

Vậy thấy Đức Giêsu cứu giúp biết bao người, chúng ta đừng vội cho rằng: nếu tôi có tài năng như Ngài, tôi cũng sẽ cứu giúp được nhiều người như Ngài. Nghĩ như thế hóa ra Ngài chẳng hơn gì chúng ta! hóa ra nếu có ai cứu giúp ai thì do người cứu giúp ấy có khả năng cứu giúp mà thôi! Nghĩ như thế, đời sống tâm linh và tình thương của chúng ta không bao giờ phát triển được! Muốn làm được những việc như Đức Giêsu, thiết tưởng điều quan trọng nhất là chúng ta phải có tình thương thật sự và cao độ như Ngài. Khi đã có tình thương rộng lớn, bao trùm, tình thương ấy sẽ thúc đẩy chúng ta hành động, thúc đẩy chúng ta luyện tập để có nhiều khả năng cứu giúp người khác. 

Tại sao ta có thể làm được biết bao chuyện cho cha mẹ, vợ con, anh em ta, mà lại không thể làm như vậy cho người khác? Chính vì ta có rất nhiều tình thương đối với người thân, nhưng lại không đủ tình thương đối với người khác. Vậy, đừng sợ mình không có khả năng cứu giúp người khác, hãy sợ rằng mình không có đủ tình thương đối với họ.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con cảm thấy con chưa hữu ích lắm cho tha nhân chung quanh con không phải vì con không có tài năng cho bằng vì con chưa đủ tình thương đối với họ. Biết bao người ít tài năng hơn con, nhưng họ lại hữu ích cho tha nhân hơn con, chính vì họ đã yêu thương nhiều hơn con. Vì tình yêu có khả năng khiến người ta làm được tất cả. Điều con thiếu hơn cả chính là tình yêu, xin Cha hãy ban cho con.

Nguyễn Chính Kết




Saturday, January 30, 2021

Phat-bieu-cua-Hong-Y-Pham-Dinh-Tung

 

Phát biểu của Đức Hồng Y
Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng,
Tổng Giám Mục Hà Nội, Việt Nam
trong Thượng Hội Đồng Giám mục Á Châu
tại Rôma năm 1998

(Hồng Y phát biểu bằng tiếng Pháp, và đây là bản dịch tiếng Việt)

 


Trọng Kính Ðức Thánh Cha,

Chính với niềm vui và sự cảm động mà tôi muốn chào chúc tất cả các nghị phụ, đặc biệt là những anh em giám mục đại diện cho các Giáo Hội và các dân tộc của đại lục Á Châu rộng mênh mông. Những lời bàn của tôi có liên hệ nhất là với những đoạn sau đây của Tài Liệu Làm Việc: các số từ 12 đến 14, số 20, từ 23 đến 29, 32-33, 39, và từ 47 đến 50.

Tôi xin đi thẳng vào điểm thiết yếu: tôi không nghĩ là Thượng Hội Ðồng Giám Mục của chúng ta phải đi vào trong sự phân biệt tinh tế của những thảo luận có tính cách lịch sử và cả thần học. Sứ mạng của Thượng Hội Ðồng Giám Mục là chỉ cho những người Kitô và những vị chủ chăn của họ thấy con đường hết sức cụ thể phải đi trong thời đại hôm nay, ngõ hầu Chúa Giêsu (Kitô), Ðấng cứu rỗi mà Thiên Chúa Cha cống hiến cho tất cả mọi người, (ngõ hầu Chúa Giêsu) có thể được biết và được nhìn nhận bởi nhiều người chúng ta tại Á Châu, và ngõ hầu nhiều người có thể vui hưởng ánh sáng của Chúa Cha, và tự do chọn lấy Con Ðường mà Chúa Giêsu đã vạch vẽ ra.

Giờ đây tôi xin nói về ba điểm sau đây:

1. Niềm Tin Tôn giáo của những dân tộc Á Châu.

2. Ðức Tin Kitô trong khung cảnh Á Châu.

3. Việc rao giảng Phúc Âm cho những anh chị em chúng ta tại Á Châu.

1. Niềm Tin tôn giáo của những dân tộc Á Châu

Dân tộc Việt Nam và, nếu tôi không lầm, toàn thể các dân tộc Á Châu, là những dân tộc có niềm tin tôn giáo sâu xa. Trong quá khứ, chắc hẳn người ta (các thừa sai truyền giáo) đã thường đánh giá thấp, tại đất nước chúng tôi, (đánh giá thấp) sự trung thực và giá trị của kinh nghiệm tôn giáo của đa số những anh chị em đồng hương chúng tôi. Hậu quả là nhiều cộng đoàn Kitô tại Á Châu sống bên lề những xã hội và bên lề những nền văn minh, trong đó những cộng đoàn Kitô nầy được mời gọi làm chứng cho những giá trị Phúc Âm Chúa Giêsu.

Chúng ta cần phải mở rộng đôi mắt con tim chúng ta để nhìn về những anh chị em có niềm tin tôn giáo sống quanh chúng ta. Chính với sự kính trọng và thiện cảm mà chúng ta phải bàn về những giáo huấn tôn giáo và triết học khác biệt với giáo lý của chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận khám phá ra nơi đó những giá trị phong phú lạ lùng, và chúng ta vui mừng về điều nầy. Tôi không muốn chỉ nói về những dòng tư tưởng lớn gần bên chúng ta, như Khổng Giáo, Phật Giáo, Lão Giáo, Ấn Ðộ Giáo hoặc Hồi Giáo. Dân chúng đất nước chúng tôi không sống mối tương quan của họ với những thực tại vô hình, chỉ nhờ qua những giáo lý cao cả nầy mà thôi. Dân chúng đông đúc của các quốc gia Á Châu, biết đến nhiều nhất là những vị thần bình dân của họ, những vị thần của đất đai và của thiên nhiên, những vị thần bảo vệ các làng mạc.

Chúng tôi, những giám mục Việt Nam, chúng tôi xác tín rằng thật không thể nào loại bỏ một cách tiên thiên ngay từ đầu những niềm tin trên, duới danh nghĩa đó là những điều mê tín. Ðối với những ai thực hành những niềm tin nầy, thì đây là con đường cụ thể và hằng ngày giúp họ đến gần hơn một chút Mầu Nhiệm Ông Trời, mầu nhiệm bao phủ và xâm nhập vào tất cả mọi sự. Nghi thức tôn kính tổ tiên, rất thịnh hành tại Việt Nam chúng tôi, cũng như trong thế giới Trung Hoa, cũng là một cách hùng hồn và mạnh mẽ để liên kết mình với Nguốn Gốc Thật của mọi sự, Nguồn Gốc mà không ai biết rõ được, nhưng là Nguồn Gốc mà từ đó mọi sự sống phát sinh trong sự hòa hợp với nhau.

Phần 2: Ðức Tin Kitô trong khung cảnh Á Châu

Những vấn đề về sự không tin và về chủ thuyết vô thần (incroyance et atheisme) không phải là những vấn đề ưu tiên của chúng tôi. Ngõ hầu Phúc Âm có thể ăn rễ vào trong lòng đất (các dân tộc) Á Châu, thì điều khó khăn không phải là sự không tin, cũng không phải là sự lãnh đạm: điều khó khăn cản trở nằm ở nơi sức mạnh và sự phong phú của ý thức tôn giáo được những người đồng hương chúng tôi sống thực trong đời họ. Những anh chị em không Kitô của chúng ta, đa số được thỏa mãn trong cảnh sống tôn giáo của họ và tự hỏi về việc Kitô giáo có thể mang đến cho họ điều gì hơn hay không.

Ðó là điểm mà chúng ta cần phải nhấn mạnh, ngõ hầu một cuộc đối thoại thật sự có thể được thiết lập trên bình diện mà những anh chị em không Kitô của chúng ta đang chờ đợi (tức là trên bình diện sống kinh nghiệm tôn giáo). Một cuộc đối thoại chỉ dựa trên những lý luận thông thái có tính cách triết lý và thần học, thì không thể nào trổ sinh những kết quả. Nguời ta chất vấn chúng ta như sau: Ðâu là kinh nghiệm tôn giáo của quý vị? Xin hãy chỉ cho chúng tôi thấy như thế nào quý vị muốn tiến đến gần với Mầu Nhiệm cao cả không thể diễn tả được mà mọi hữu thể, mọi sự sống đều tùy thuộc vào đó?

Chúng ta, những nguời Kitô Á Châu, chúng ta là những kẻ mang nơi mình sứ điệp nhưng thường thì lại không biết gì về kinh nghiệm duy nhất và sống động (tức kinh nghiệm tôn giáo), kinh nghiệm làm cho con tim ta vui mừng rung động, và làm cho chúng ta có khả năng sống hòa hợp hoàn toàn với chính mình, với anh chị em và với vũ trụ. Ðối với chúng ta, Ðấng không thể diễn tả được đó, lại có một danh gọi, một dung mạo. Ông Trời có vẻ vô danh và trừu tượng của tổ tiên chúng ta, đã trở thành Thiên Chúa Cha mà tình yêu của Ngài có sức mạnh làm cho chúng ta được hiện hữu. Thiên Chúa Cha nầy, Ðấng mà không ai có thể nhìn thấy bao giờ, nhưng Tình Yêu của Ngài đã mặc lấy một thân thể và một dung mạo nơi Con Nguời Chúa Giêsu, Con Một Ngài, nguời anh cả của chúng ta, Vị Thầy cao cả của chúng ta, và là Con Ðường của chúng ta.

Phần 3: Rao Giảng Phúc Âm
cho những anh chị em Á Châu chúng ta

Á Châu cần biết được dung mạo của Thiên Chúa, vừa rất gần, rất nhân đạo, nhưng cũng rất cao xa và rất tràn đầy tình yêu thương. Á Châu cần khám phá ra sự khôn ngoan mới, được thể hiện trong các Mối Phúc Thật và trong mầu nhiệm Vượt Qua. Làm sao Á Châu có thể làm điều nầy được, nếu từ phía mình Chúa Kitô mà chúng ta được sống nhờ Người, (nếu Chúa Kitô) không hiện diện và trở nên hữu hình trong chính con người chúng ta, trong những cộng đoàn Kitô và trong những hành động của chúng ta? Làm sao Á Châu có thể đánh giá cao dung mạo của Thiên Chúa như được mô tả trên, nếu lời cầu nguyện và việc suy niệm Kitô của chúng ta còn nằm khơi khơi ở trên bề mặt của hữu thể, thua xa những chiều sâu mà những nhân vật nỗi tiếng của Phật Giáo đã đạt được? Những sinh hoạt phụng vụ của chúng ta, dù có được hội nhập văn hóa nhất đi nữa, cũng sẽ xuất hiện như là những bắt chước méo mó (caricature), nếu người ta không chạm đến được sự hiện diện đầy sức tác động của Thiên Chúa-Tình Thương, của Thánh Thần ban sự sống.

Tóm lại, điều vô ích là việc đi tìm giữa chúng ta những lời nói và cử hành lễ nghi có sức thuyết phục hay làm cho những người đồng hương chúng ta trở lại, hoặc chờ đợi người ta soi sáng họ cho chúng ta. Theo chúng tôi nghĩ, có lẽ sẽ là điều nguy hại, việc đặt ra lại những tranh cải trầm trọng mà lịch sử để lại cho chúng ta. Ðiều cần thiết, là đi tìm nơi những kẻ có niềm tin thuộc về những tôn giáo khác và đi tìm nơi chính chúng ta, (đi tìm) những dấu chỉ của sự hiện diện và của tác động của Thiên Chúa, rồi chiêm ngắm chúng và để cho chính mình được thấm nhập vào đó. Theo ý tôi, Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã nêu chỉ cho chúng ta con đường cần phải theo. Do bởi sự kính trọng sâu xa và tình yêu thương hữu hiệu của Mẹ đối với mọi người, Mẹ đã giảng dạy một cách hữu hiệu cho chúng ta biết như thế nào Ðấng là Thiên Chúa Tình Thương của người Kitô; Mẹ dạy cho chúng ta biết Ðấng là Nguời Tôi tớ khiêm tốn cho đến chết, bị tất cả mọi người từ khước, nhưng đã trở thành người anh cả của nhiều người. Dù là nguời ngoại quốc, Mẹ Têrêsa đã được nhìn nhận bởi dân tộc cao cả Ấn Ðộ, thuộc mọi niềm tin tôn giáo, (được nhìn nhận) như là một thành phần của dân tộc họ và như là Ðấng có một kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa.

Cũng vậy, chính chúng ta cần phải chu toàn một cố gắng căn bản để canh tân đức tin và đời sống Kitô của mình. Chỉ sau đó, chúng ta mới có thể bắt đầu thật sự cuộc đối thoại bằng đời sống với tất cả mọi người thiện chí, mặc cho niềm tin tôn giáo của họ hay những viển tượng triết học của họ như thế nào. Thần học trong khung cảnh Á Châu, một nền thần học mà không ai chối bỏ sự cần thiết của nó, (thần học trong khung cảnh Á Châu) sẽ đến sau, vào cuối con đường. Và thần học có lẽ sẽ chỉ là một ảo tưởng, nếu không có mệnh lệnh tình thương phổ quát được sống thật giữa chúng ta và với tất cả mọi người; thần học có lẽ sẽ không hiệu nghiệm, nếu không có một sự chọn lựa hằng ngày phục vụ cho những nguời nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất.

Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng

Tổng Giám Mục Hà Nội, Việt Nam.