Saturday, January 30, 2021

Phat-bieu-cua-Hong-Y-Pham-Dinh-Tung

 

Phát biểu của Đức Hồng Y
Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng,
Tổng Giám Mục Hà Nội, Việt Nam
trong Thượng Hội Đồng Giám mục Á Châu
tại Rôma năm 1998

(Hồng Y phát biểu bằng tiếng Pháp, và đây là bản dịch tiếng Việt)

 


Trọng Kính Ðức Thánh Cha,

Chính với niềm vui và sự cảm động mà tôi muốn chào chúc tất cả các nghị phụ, đặc biệt là những anh em giám mục đại diện cho các Giáo Hội và các dân tộc của đại lục Á Châu rộng mênh mông. Những lời bàn của tôi có liên hệ nhất là với những đoạn sau đây của Tài Liệu Làm Việc: các số từ 12 đến 14, số 20, từ 23 đến 29, 32-33, 39, và từ 47 đến 50.

Tôi xin đi thẳng vào điểm thiết yếu: tôi không nghĩ là Thượng Hội Ðồng Giám Mục của chúng ta phải đi vào trong sự phân biệt tinh tế của những thảo luận có tính cách lịch sử và cả thần học. Sứ mạng của Thượng Hội Ðồng Giám Mục là chỉ cho những người Kitô và những vị chủ chăn của họ thấy con đường hết sức cụ thể phải đi trong thời đại hôm nay, ngõ hầu Chúa Giêsu (Kitô), Ðấng cứu rỗi mà Thiên Chúa Cha cống hiến cho tất cả mọi người, (ngõ hầu Chúa Giêsu) có thể được biết và được nhìn nhận bởi nhiều người chúng ta tại Á Châu, và ngõ hầu nhiều người có thể vui hưởng ánh sáng của Chúa Cha, và tự do chọn lấy Con Ðường mà Chúa Giêsu đã vạch vẽ ra.

Giờ đây tôi xin nói về ba điểm sau đây:

1. Niềm Tin Tôn giáo của những dân tộc Á Châu.

2. Ðức Tin Kitô trong khung cảnh Á Châu.

3. Việc rao giảng Phúc Âm cho những anh chị em chúng ta tại Á Châu.

1. Niềm Tin tôn giáo của những dân tộc Á Châu

Dân tộc Việt Nam và, nếu tôi không lầm, toàn thể các dân tộc Á Châu, là những dân tộc có niềm tin tôn giáo sâu xa. Trong quá khứ, chắc hẳn người ta (các thừa sai truyền giáo) đã thường đánh giá thấp, tại đất nước chúng tôi, (đánh giá thấp) sự trung thực và giá trị của kinh nghiệm tôn giáo của đa số những anh chị em đồng hương chúng tôi. Hậu quả là nhiều cộng đoàn Kitô tại Á Châu sống bên lề những xã hội và bên lề những nền văn minh, trong đó những cộng đoàn Kitô nầy được mời gọi làm chứng cho những giá trị Phúc Âm Chúa Giêsu.

Chúng ta cần phải mở rộng đôi mắt con tim chúng ta để nhìn về những anh chị em có niềm tin tôn giáo sống quanh chúng ta. Chính với sự kính trọng và thiện cảm mà chúng ta phải bàn về những giáo huấn tôn giáo và triết học khác biệt với giáo lý của chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận khám phá ra nơi đó những giá trị phong phú lạ lùng, và chúng ta vui mừng về điều nầy. Tôi không muốn chỉ nói về những dòng tư tưởng lớn gần bên chúng ta, như Khổng Giáo, Phật Giáo, Lão Giáo, Ấn Ðộ Giáo hoặc Hồi Giáo. Dân chúng đất nước chúng tôi không sống mối tương quan của họ với những thực tại vô hình, chỉ nhờ qua những giáo lý cao cả nầy mà thôi. Dân chúng đông đúc của các quốc gia Á Châu, biết đến nhiều nhất là những vị thần bình dân của họ, những vị thần của đất đai và của thiên nhiên, những vị thần bảo vệ các làng mạc.

Chúng tôi, những giám mục Việt Nam, chúng tôi xác tín rằng thật không thể nào loại bỏ một cách tiên thiên ngay từ đầu những niềm tin trên, duới danh nghĩa đó là những điều mê tín. Ðối với những ai thực hành những niềm tin nầy, thì đây là con đường cụ thể và hằng ngày giúp họ đến gần hơn một chút Mầu Nhiệm Ông Trời, mầu nhiệm bao phủ và xâm nhập vào tất cả mọi sự. Nghi thức tôn kính tổ tiên, rất thịnh hành tại Việt Nam chúng tôi, cũng như trong thế giới Trung Hoa, cũng là một cách hùng hồn và mạnh mẽ để liên kết mình với Nguốn Gốc Thật của mọi sự, Nguồn Gốc mà không ai biết rõ được, nhưng là Nguồn Gốc mà từ đó mọi sự sống phát sinh trong sự hòa hợp với nhau.

Phần 2: Ðức Tin Kitô trong khung cảnh Á Châu

Những vấn đề về sự không tin và về chủ thuyết vô thần (incroyance et atheisme) không phải là những vấn đề ưu tiên của chúng tôi. Ngõ hầu Phúc Âm có thể ăn rễ vào trong lòng đất (các dân tộc) Á Châu, thì điều khó khăn không phải là sự không tin, cũng không phải là sự lãnh đạm: điều khó khăn cản trở nằm ở nơi sức mạnh và sự phong phú của ý thức tôn giáo được những người đồng hương chúng tôi sống thực trong đời họ. Những anh chị em không Kitô của chúng ta, đa số được thỏa mãn trong cảnh sống tôn giáo của họ và tự hỏi về việc Kitô giáo có thể mang đến cho họ điều gì hơn hay không.

Ðó là điểm mà chúng ta cần phải nhấn mạnh, ngõ hầu một cuộc đối thoại thật sự có thể được thiết lập trên bình diện mà những anh chị em không Kitô của chúng ta đang chờ đợi (tức là trên bình diện sống kinh nghiệm tôn giáo). Một cuộc đối thoại chỉ dựa trên những lý luận thông thái có tính cách triết lý và thần học, thì không thể nào trổ sinh những kết quả. Nguời ta chất vấn chúng ta như sau: Ðâu là kinh nghiệm tôn giáo của quý vị? Xin hãy chỉ cho chúng tôi thấy như thế nào quý vị muốn tiến đến gần với Mầu Nhiệm cao cả không thể diễn tả được mà mọi hữu thể, mọi sự sống đều tùy thuộc vào đó?

Chúng ta, những nguời Kitô Á Châu, chúng ta là những kẻ mang nơi mình sứ điệp nhưng thường thì lại không biết gì về kinh nghiệm duy nhất và sống động (tức kinh nghiệm tôn giáo), kinh nghiệm làm cho con tim ta vui mừng rung động, và làm cho chúng ta có khả năng sống hòa hợp hoàn toàn với chính mình, với anh chị em và với vũ trụ. Ðối với chúng ta, Ðấng không thể diễn tả được đó, lại có một danh gọi, một dung mạo. Ông Trời có vẻ vô danh và trừu tượng của tổ tiên chúng ta, đã trở thành Thiên Chúa Cha mà tình yêu của Ngài có sức mạnh làm cho chúng ta được hiện hữu. Thiên Chúa Cha nầy, Ðấng mà không ai có thể nhìn thấy bao giờ, nhưng Tình Yêu của Ngài đã mặc lấy một thân thể và một dung mạo nơi Con Nguời Chúa Giêsu, Con Một Ngài, nguời anh cả của chúng ta, Vị Thầy cao cả của chúng ta, và là Con Ðường của chúng ta.

Phần 3: Rao Giảng Phúc Âm
cho những anh chị em Á Châu chúng ta

Á Châu cần biết được dung mạo của Thiên Chúa, vừa rất gần, rất nhân đạo, nhưng cũng rất cao xa và rất tràn đầy tình yêu thương. Á Châu cần khám phá ra sự khôn ngoan mới, được thể hiện trong các Mối Phúc Thật và trong mầu nhiệm Vượt Qua. Làm sao Á Châu có thể làm điều nầy được, nếu từ phía mình Chúa Kitô mà chúng ta được sống nhờ Người, (nếu Chúa Kitô) không hiện diện và trở nên hữu hình trong chính con người chúng ta, trong những cộng đoàn Kitô và trong những hành động của chúng ta? Làm sao Á Châu có thể đánh giá cao dung mạo của Thiên Chúa như được mô tả trên, nếu lời cầu nguyện và việc suy niệm Kitô của chúng ta còn nằm khơi khơi ở trên bề mặt của hữu thể, thua xa những chiều sâu mà những nhân vật nỗi tiếng của Phật Giáo đã đạt được? Những sinh hoạt phụng vụ của chúng ta, dù có được hội nhập văn hóa nhất đi nữa, cũng sẽ xuất hiện như là những bắt chước méo mó (caricature), nếu người ta không chạm đến được sự hiện diện đầy sức tác động của Thiên Chúa-Tình Thương, của Thánh Thần ban sự sống.

Tóm lại, điều vô ích là việc đi tìm giữa chúng ta những lời nói và cử hành lễ nghi có sức thuyết phục hay làm cho những người đồng hương chúng ta trở lại, hoặc chờ đợi người ta soi sáng họ cho chúng ta. Theo chúng tôi nghĩ, có lẽ sẽ là điều nguy hại, việc đặt ra lại những tranh cải trầm trọng mà lịch sử để lại cho chúng ta. Ðiều cần thiết, là đi tìm nơi những kẻ có niềm tin thuộc về những tôn giáo khác và đi tìm nơi chính chúng ta, (đi tìm) những dấu chỉ của sự hiện diện và của tác động của Thiên Chúa, rồi chiêm ngắm chúng và để cho chính mình được thấm nhập vào đó. Theo ý tôi, Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã nêu chỉ cho chúng ta con đường cần phải theo. Do bởi sự kính trọng sâu xa và tình yêu thương hữu hiệu của Mẹ đối với mọi người, Mẹ đã giảng dạy một cách hữu hiệu cho chúng ta biết như thế nào Ðấng là Thiên Chúa Tình Thương của người Kitô; Mẹ dạy cho chúng ta biết Ðấng là Nguời Tôi tớ khiêm tốn cho đến chết, bị tất cả mọi người từ khước, nhưng đã trở thành người anh cả của nhiều người. Dù là nguời ngoại quốc, Mẹ Têrêsa đã được nhìn nhận bởi dân tộc cao cả Ấn Ðộ, thuộc mọi niềm tin tôn giáo, (được nhìn nhận) như là một thành phần của dân tộc họ và như là Ðấng có một kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa.

Cũng vậy, chính chúng ta cần phải chu toàn một cố gắng căn bản để canh tân đức tin và đời sống Kitô của mình. Chỉ sau đó, chúng ta mới có thể bắt đầu thật sự cuộc đối thoại bằng đời sống với tất cả mọi người thiện chí, mặc cho niềm tin tôn giáo của họ hay những viển tượng triết học của họ như thế nào. Thần học trong khung cảnh Á Châu, một nền thần học mà không ai chối bỏ sự cần thiết của nó, (thần học trong khung cảnh Á Châu) sẽ đến sau, vào cuối con đường. Và thần học có lẽ sẽ chỉ là một ảo tưởng, nếu không có mệnh lệnh tình thương phổ quát được sống thật giữa chúng ta và với tất cả mọi người; thần học có lẽ sẽ không hiệu nghiệm, nếu không có một sự chọn lựa hằng ngày phục vụ cho những nguời nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất.

Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng

Tổng Giám Mục Hà Nội, Việt Nam.

Thursday, January 21, 2021

TN03 - Trong việc sống đạo, đừng coi phương tiện là mục đích




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 03 Thường Niên

(24-01-2020)


Trong việc sống đạo,
đừng coi phương tiện là mục đích




ĐỌC LỜI CHÚA

  Gn 3,1-5.10: (1) Có lời Đức Chúa phán với ông Giôna lần thứ hai rằng: (2) «Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi».
   1Cr 7,29-31: (29) Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu, (31b) vì bộ mặt thế gian này đang biến đi. 


  TIN MỪNG: Mc 1,14-20

Đức Giêsu khai mạc công việc rao giảng

(14) Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (15) Người nói: «Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng».

Đức Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên

(16) Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. (17) Người bảo họ: «Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá». (18) Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.  (19) Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. (20) Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Đức Giêsu đến để xây dựng Nước Thiên Chúa. Bạn quan niệm Nước Thiên Chúa là gì? ở ngay trần gian này hay ở đời sau? Bản chất của nó là gì?
2. Bản chất của Nước Thiên Chúa chính là Tình Thương. Trong đời sống Kitô hữu, việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích rất quan trọng, nhưng so với việc thực hiện tình yêu thương thì việc nào quan trọng hơn? Cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện? Cần phải quan trọng hóa hay làm nổi bật cái nào?


Suy tư gợi ý:

1.  Đức Giêsu đến để xây dựng triều đại Thiên Chúa

Khi bắt đầu xuất hiện công khai để loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu tuyên bố với mọi người: «Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng» (Mc 1,15). Ngài nói vậy nghĩa là gì? – «Thời kỳ đã mãn» nghĩa là đã hết một thời kỳ, và đã đến lúc bắt đầu một thời kỳ mới. Thời cũ là thời của Cựu Ước, với những tinh thần và luật lệ của Cựu Ước. Thời của Cựu Ước là thời chuẩn bị cho thời của Tân Ước. Và Đức Giêsu đến để khai mở thời kỳ Tân Ước, với những tinh thần và luật lệ mới của Tân Ước. Thời Tân Ước là thời xây dựng triều đại Thiên Chúa do Đức Giêsu chủ xướng và thiết lập. Ngài nói: «Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần» (Mc 1,15). «Đã đến gần» có nghĩa là còn đang đến chứ chưa thành hiện thực. Triều đại ấy có thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào Đức Giêsu và những người cộng tác với Ngài.



2.  Triều đại Thiên Chúa hay Nước Thiên Chúa là gì?

Triều đại Thiên Chúa mà Đức Giêsu muốn thiết lập là một kỷ nguyên mới, trong đó nhân loại được sống trong an bình hạnh phúc, nhờ biết yêu thương nhau, hy sinh cho nhau, sống cho nhau. Ngài đã đưa ra một «điều răn mới» cho kỷ nguyên mới này: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34; x. 15,12.17). Và yêu thương phải trở thành dấu hiệu đặc trưng của những ai theo Ngài, đặc trưng đến nỗi chỉ việc nhìn vào tình thương họ dành cho nhau, mà mọi người nhận ra họ là người theo Ngài: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,35)

Ngài đã thiết lập Giáo Hội như một cộng đoàn đặc biệt của Ngài nhằm thực hiện Nước Thiên Chúa, trong đó, tình thương thống trị trong lòng mọi người, khiến mọi người trong cộng đoàn đó yêu thương và hy sinh cho nhau, coi nhau như anh chị em, nhờ đó họ luôn luôn đầy đủ và hạnh phúc. Và nhờ sự hấp dẫn luôn luôn có của tình thương, Giáo Hội ấy ngày càng mở rộng, và lan tràn khắp thế giới. Lúc ấy, thế giới sẽ trở thành Nước Thiên Chúa, ngay tại trần gian này. Ngài đã ban cho Giáo Hội những phương tiện rất hữu hiệu là các bí tích để thông ban sức mạnh thiêng liêng để con người thực hiện điều ấy. 



3.  Một lý do khiến Giáo Hội chưa thực hiện được Nước Thiên Chúa

Thế nhưng cho đến nay, nhìn vào Giáo Hội và thế giới, người ta không khỏi nghi ngờ: liệu việc xây dựng «Triều đại Thiên Chúa» hay «Nước Trời» của Đức Giêsu có thành tựu được không? Xem ra lý tưởng của Đức Giêsu vẫn còn xa vời lắm, mặc dù Giáo Hội đã nỗ lực thực hiện lý tưởng ấy suốt 2000 năm nay. Có thể một trong những lý do khiến chúng ta không thành công là chúng ta chưa quan tâm đủ đến sứ điệp trọng tâm của Đức Giêsu là tinh thần yêu thương, mà quá quan tâm đến những phương tiện – là việc cầu nguyện, các bí tích – để đạt được tinh thần ấy.

Quả thật, những phương tiện mà Đức Giêsu đặt ra rất cần thiết và hữu ích, nhưng dù thế nào chăng nữa, chúng vẫn chỉ là những phương tiện. Biến những phương tiện ấy thành mục đích hay cứu cánh là vô hiệu hóa chúng, thậm chí làm chúng biến chất, làm chúng trở nên có hại thay vì có lợi. Nếu «đồng tiền là một đầy tớ rất tốt, nhưng lại là một ông chủ rất xấu», thì tương tự như vậy: các phương tiện Đức Giêsu lập ra như các bí tích, việc cầu nguyện, v.v… là những phương tiện rất tốt, nhưng lại là những mục đích rất xấu. Nghĩa là nếu chúng ta nhắm mục đích rõ ràng là sống yêu thương nhau, và quyết tâm thực hiện sự yêu thương ấy, thì việc cầu nguyện và các bí tích sẽ là những phương tiện hết sức hữu hiệu để đạt được mục đích ấy. Còn nếu chúng ta coi chúng là mục đích, thì chúng sẽ trở thành những yếu tố phá hoại sự yêu thương ấy, cũng là phá hoại tôn giáo.

Khốn thay rất nhiều Kitô hữu không hề ý thức sứ điệp căn bản của Đức Giêsu là tình yêu thương, nên không mấy quan tâm tới điều chính yếu ấy. Họ chỉ chủ yếu quan tâm tới việc thực hành những phương tiện mà Đức Giêsu lập ra để đạt mục đích ấy, và coi việc thực hành những phương tiện ấy chính là bản chất việc sống đạo Kitô giáo. Họ đã biến phương tiện thành mục đích, vì thế, những phương tiện ấy chẳng những chẳng đạt được mục đích mà Đức Giêsu muốn chúng đạt được, mà chúng lại trở thành một thế lực ngăn cản con người đạt đến mục đích ấy. 

Thật vậy, biết bao Kitô hữu cảm thấy mình đạo đức chỉ vì đã đi lễ hằng ngày, rất siêng năng lãnh nhận các bí tích, rất chuyên cần đọc kinh cầu nguyện… đang khi họ đối xử với tha nhân, thậm chí với cả những người trong gia đình mình, chẳng mấy tốt đẹp. Như thế họ đã quan niệm sai lầm về việc sống đạo, nhất là về bản chất của Kitô giáo. Điều này thiết tưởng những người có nhiệm vụ rao giảng, dạy dỗ trong Giáo Hội phải chịu trách nhiệm phần nào!



4.  Để xây dựng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu cần những người cộng tác

Ngay khi bắt đầu sứ mạng loan báo và xây dựng Nước Thiên Chúa, việc đầu tiên Đức Giêsu phải làm là tìm những người có tâm huyết cộng tác với Ngài. Chắc hẳn những người được Ngài mời gọi theo Ngài làm tông đồ, Ngài đã nhận ra nhiệt huyết của họ trong những lần Ngài nói chuyện với dân chúng về Nước Trời trước đó. Vì thế, khi Ngài mời gọi họ, họ lập tức bỏ mọi sự để lên đường theo Ngài ngay. 

Và với 12 môn đệ – tức 12 người cộng tác đắc lực – được Ngài tuyển chọn, Ngài đã lập nên cả một Giáo Hội phát triển rộng lớn như ngày nay. Sau 20 thế kỷ khởi công xây dựng Nước Thiên Chúa, người theo Đức Giêsu hiện nay trên thế giới tuy rất đông nhưng dẫu sao vẫn còn rất ít ỏi so với số lượng đáng lẽ phải đạt được. Vì hiện nay số người Kitô hữu mới chỉ chiếm 1/3 dân số thế giới

Đó là nói về số lượng, còn phẩm chất người Kitô hữu thì sao? Bao nhiêu phần trăm Kitô hữu thật sự sống tinh thần yêu thương của Đức Giêsu đúng như Ngài đã truyền: «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34)? Đối với thế giới, Kitô giáo có phải là một biểu tượng hay gương mẫu của tình thương, của sự khoan dung, hay chỉ là biểu tượng của lễ nghi, của sự khắt khe, không khoan nhượng?

Thời nào Đức Giêsu cũng cần những người có tâm huyết cộng tác với Ngài. Và chắc chắn thời nào cũng không thiếu những con người nhiệt tình sẵn sàng hy sinh cho công cuộc của Ngài. Nhưng nhiệt huyết xuông, không đủ, chúng ta cần phải đi đúng đường lối của Ngài. Nếu không, nỗ lực của Giáo Hội chúng ta sẽ chỉ là những nỗ lực kiểu «dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì». 

Thiết tưởng chúng ta cần phải nắm vững cái nào là cái chính yếu, cái nào là cái phụ thuộc; cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện; cái nào là bản chất, cái nào là hiện tượng. Nhờ phân biệt rõ ràng như thế, chúng ta mới biết hy sinh cái phụ thuộc cho cái chính yếu, coi nhẹ phương tiện hơn mục đích, coi trọng bản chất hơn hiện tượng.

Cứ thử xét cách dùng danh từ của nhà đạo chúng ta thì biết chúng ta đã quan trọng hóa cái gì: cái chính yếu hay cái phụ thuộc? Chúng ta gọi những việc cầu nguyện hay bí tích là những «việc đạo đức». Điều đó khiến nhiều Kitô hữu lầm tưởng rằng cứ cầu nguyện hay lãnh nhận các bí tích cho nhiều là trở thành người đạo đức. Nhưng thật ra rất nhiều người làm được như vậy một cách rất gương mẫu, nhưng chẳng ai mến phục chỉ vì họ sống thiếu tình thương. 

Thực ra đạo đức được thể hiện trong chính cuộc sống thường ngày: trong cách cư xử, cách làm việc, cách nói năng… Một người có đạo đức khác với những người không đạo đức chủ yếu ở trong chính cách cư xử, làm việc, nói năng… chứ không phải trong việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Vì thế, thiết tưởng khi chúng ta làm những bổn phận hằng ngày như làm ăn buôn bán, quét nhà nấu ăn giặt giũ, tiếp xúc nói chuyện cư xử với mọi người… nếu chúng ta làm với tinh thần yêu thương vị tha, thì chính khi làm như vậy là ta thực hiện những việc đạo đức. Việc cầu nguyện và các bí tích giúp ta có ơn Chúa, có sức mạnh để làm những việc ấy với tinh thần yêu thương của Chúa, chứ chúng không thay thế tinh thần yêu thương ấy. 

Cầu nguyện hay lãnh nhận các bí tích mà không thể hiện tình yêu thương trong cách cư xử, làm việc, ăn nói, suy nghĩ, thì giống như một người đi làm quần quật suốt ngày để có tiền, nhưng chẳng dùng số tiền ấy vào việc gì, cứ cất vào một chỗ để dành. Như thế tiền bạc ấy trở nên vô ích. Tiền bạc chỉ trở nên ích lợi và đem lại hạnh phúc khi được chi tiêu để thỏa mãn những nhu cầu cần thiết của đời sống. Cũng vậy, cầu nguyện hay lãnh nhận bí tích chỉ có ích lợi và đem lại ơn cứu rỗi khi chúng nhắm thực hiện mục đích mà Chúa muốn là thể hiện tình yêu thương cách hữu hiệu.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, bản chất của Cha là Tình Yêu, và bản chất của Nước Trời do Đức Giêsu thiết lập cũng là Tình Yêu. Do đó, tình yêu chính là mục đích và bản chất của Kitô giáo. Việc cầu nguyện, các bí tích chính là những phương tiện hữu hiệu để thực hiện mục đích hay bản chất ấy. Xin Cha đừng để người Kitô hữu chúng con lầm lẫn mục đích với phương tiện, điều chính yếu với điều phụ thuộc. Có như vậy, Nước Trời mới thật sự hình thành tại trần gian này. Xin cho chính bản thân con ý thức điều đó.

Nguyễn Chính Kết




Tuesday, January 12, 2021

TN02 - Tin và thật sự sống niềm tin ấy trước khi giới thiệu cho người khác




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 2 Thường Niên

(17-1-2020)


Tin và thật sự sống niềm tin ấy
trước khi giới thiệu cho người khác




ĐỌC LỜI CHÚA

  1Sm 3,3b-10.19: (10) Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước, «Samuen! Samuen!» Samuen thưa: «Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe».

  1Cr 6,13c-15a.17-20: (19) Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, (20) vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em.


  TIN MỪNG: Ga 1,35-42

Các môn đệ đầu tiên

(35) Khi ấy, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. (36) Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: «Đây là Chiên Thiên Chúa». (37) Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. (38) Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: «Các anh tìm gì thế?» Họ đáp: «Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?» (39) Người bảo họ: «Đến mà xem». Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.  (40) Ơng Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. (41) Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói: «Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia» (nghĩa là Đấng Kitô). (42) Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói: «Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha» (tức là Phêrô).


 

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn có thể biết và tin Đức Giêsu mà không do một người nào khác giới thiệu cho bạn không? Nếu thế, bạn có cảm thấy bổn phận phải tiếp tục giới thiệu Đức Giêsu cho những người khác nữa không?
2. Những người hiện nay mang danh là biết và tin Ngài, thật ra có biết và tin Ngài đích thực không? Những người này có cần được giới thiệu lại về Đức Giêsu để họ biết và tin Ngài đích thực hơn, nghĩa là niềm tin ấy phải được thể hiện bằng sự dấn thân cụ thể trong đời sống không?
3. Khi giới thiệu, rao giảng về Đức Giêsu, bạn có bị cám dỗ tìm chính mình, lợi ích cho mình  – thay vì tìm Ngài và lợi ích cho Ngài – trong công việc thánh thiện ấy không? Bạn có dễ dàng từ bỏ những ưu đãi, đặc quyền đặc lợi đi kèm với công việc tông đồ không?

Suy tư gợi ý:

1.  Cần giới thiệu Đức Giêsu cho người chưa biết Ngài

Đức Giêsu nói: «Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án» (Mc 16,16). Qua đó, ta thấy Đức tin rất cần thiết và quan trọng. Điều này được Kinh Thánh nói đến rất nhiều (xem thêm: Lc 8,12b; Cv 16,31; Rm 10,9; Ep 2,8; 1Pr 1,9; v. v…). Nhưng tin không phải chuyện ai cũng làm được: ta thấy hiện nay trên thế giới, cứ 10 người thì chỉ có 3 người mang danh là tin Đức Giêsu. Và rất có thể trong 3 người – hay hơn nữa – mang danh là tin ấy mới có một người thật sự tin vào Ngài, niềm tin thật sự phải được chứng tỏ bằng việc làm, bằng đời sống và sự dấn thân thật sự

Việc có đức tin tùy thuộc nhiều điều kiện: một cách khách quan vào cơ hội, hay nói theo từ nhà Phật là «nhân duyên», và một cách chủ quan, tùy thuộc vào tâm trạng của mỗi người. Về những điều kiện này, thánh Phaolô cũng viết: «Kinh Thánh nói: Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng» (Rm 10,11.13-15a)



Để người ta tin vào Đức Giêsu, cần có người giới thiệu Ngài cho họ. Người giới thiệu hết sức cần thiết. Trong thương trường, để bán được hàng hóa, người ta phải tìm mọi cách, bằng quảng cáo, tiếp thị, để giới thiệu cho mọi người biết trên thị trường có loại hàng hóa ấy, chất lượng nó ra sao, nó cần thiết cho đời sống thế nào. Thời nay, hàng hóa mà không nhờ quảng cáo và tiếp thị thì dễ có nguy cơ bị ế. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Đức Giêsu cho hai môn đệ của mình để họ theo Ngài: hai môn đệ này một người là Anrê, và người kia chắc hẳn là Gioan (nhỏ), tác giả bài Tin Mừng này (tác giả thường không muốn nói đến bản thân mình). Nhờ Gioan Tẩy giả giới thiệu, hai môn đệ của ông đã trở thành môn đệ của Đức Giêsu và dấn thân trọn vẹn cho Ngài suốt cuộc đời.




2.  Cần giới thiệu lại Đức Giêsu cho người đã biết và tin Ngài

Hiện nay, chung quanh ta có biết bao người không tin thật sự vào Đức Giêsu, vào chân lý cứu độ. Trong số đó, có biết bao người mang danh là tin Ngài, nhưng thật sự chỉ là tin trên danh nghĩa, vì trong thực tế họ chỉ biết về Ngài rất mơ hồ, sự biết ấy không đủ sức mạnh để thúc đẩy họ sống và hành động như sự hiểu biết ấy đòi hỏi. Ngay trong số chúng ta, những người tự xưng là Kitô hữu, chúng ta có thể tuyên xưng rất mạnh niềm tin của mình, thậm chí kết án những ai tin khác với mình, nhưng giữa niềm tin ấy và cuộc sống của ta là cả một sự xa cách. Tin trên lý thuyết và sống trong thực tế không trùng hợp với nhau, lý và sự, chủ trương và hành động, nói và làm khác xa nhau. Điều đó chứng tỏ chúng ta chưa thật sự tin

Thánh Giacôbê nói: «Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết» (Gc 2,26; x.2,17). Nhiều khi chúng ta tưởng mình có đức tin, nhưng đức tin ấy xét cho nghiêm túc lại là thứ «đức tin chết», đức tin giả hiệu, là «hàng giả», loại rẻ tiền (vì được mua với giá rẻ). Chính vì thế, Giáo Hội ngày nay mới nói đến vấn đề «phúc âm hóa mới», hay «tái phúc âm hóa», nghĩa là giới thiệu lại Đức Giêsu cho những người đã biết Ngài, đã mang danh là tin Ngài, để họ tin Ngài một cách đích thực hơn.




3.  Tỷ lệ người tin thật sự trong Giáo Hội và thế giới hiện nay

Cứ nhìn vào thực trạng của Giáo Hội, của xã hội và thế giới hiện nay, ta có thể thấy được tỷ lệ người tin thật sự vào Đức Giêsu là bao nhiêu. Người thật sự tin tất nhiên phải trở thành «muối» (x. Mt 5,13; Mc 9,49; Lc 14,34), thành «men» (Mt 13,33; Lc 13,21) có phẩm chất. Nếu thức ăn được ướp muối mà vẫn bị hư, bột được trộn men mà không dậy lên được, là vì: hoặc muối hay men quá ít, hoặc muối hay men đã bị mất phẩm chất. Vì nếu men tốt thì chỉ cần «một chút men (là đủ) làm cả khối bột dậy men» (Gl 5,9)

Tệ hơn nữa, nếu men bị biến chất thành men thối thì thật là nguy hiểm cho đống bột. Đức Giêsu đã cảnh cáo chúng ta chuyện này: «Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê» (Mc 8,15; x. Mt 16,6). Ngài giải thích: «Men Pharisêu tức là thói đạo đức giả» (Lc 12,1b), là thói giữ đạo một cách hình thức, với những nghi lễ trang trọng bề ngoài, mục đích để được ca tụng, được khen, nhưng trong tâm hồn thì chẳng có tình thương, chẳng muốn hy sinh chịu thiệt cho ai (x. Mt 23). Còn «men Hêrôđê» có thể là thói ham thích quyền bính, thích ép buộc người khác phải làm theo ý mình, đồng thời sẵn sàng làm tất cả mọi sự – kể cả những chuyện bỉ ổi, đê hèn, tội lỗi – để đạt được hay duy trì quyền bính của mình (x. Mt 2,16). Hai loại «men» này thực chất thì như nhau, nhưng một đằng áp dụng trong tôn giáo, một đằng áp dụng ở ngoài đời. Chính những loại «men» này đã làm Giáo Hội, xã hội và thế giới thoái hóa về đạo đức và tâm linh. 

Vậy, ai sẽ là người làm công việc «tái phúc âm hóa» này, nghĩa là làm cho muối mặn trở lại, men nồng trở lại? Bạn nhận định thế nào về thực trạng của Giáo Hội, xã hội và thế giới hiện nay? Bạn có ý thức được nhu cầu khẩn thiết phải tái phúc âm hóa trong Giáo Hội không? Bạn có nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi bạn làm công việc này không? Nếu nghe thấy, bạn có đáp lại tiếng Chúa như Samuen trong bài đọc I không? Bạn có sẵn sàng đi theo và rủ người khác theo Ngài như hai môn đệ của Gioan Tẩy giả trong bài Tin Mừng không? Bạn thử lắng nghe Chúa nói trong lòng mình và nghe cả lòng mình nói nữa!




4.  Dành cho Chúa tất cả, đừng giữ lại gì cho mình

Thái độ của Gioan Tẩy giả cũng là một gương mẫu và là một bài học tốt cho chúng ta. Hai môn đệ của Gioan Tẩy giả là Anrê và Gioan chắc chắn đã từng nghe Gioan Tẩy giả giới thiệu về Đức Giêsu: «Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Tôi làm phép rửa trong nước để giục lòng sám hối, còn Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa» (Mt 3,11). Khi nói những lời ấy, Gioan Tẩy giả xác định mình không phải là Đấng ấy, đồng thời muốn giới thiệu Đấng ấy để mọi người –kể cả các môn đệ của ông– tin và hướng về Đấng ấy. Chính vì thế, khi Gioan Tẩy giả «thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”» thì có «hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu» (Ga 1,36-37)

Khi hai môn đệ rất ưu tú của mình (là Anrê và Gioan) bỏ mình để làm môn đệ Đức Giêsu, chắc chắn Gioan Tẩy giả cảm thấy một niềm vui buồn lẫn lộn. Vui vì thấy Đức Giêsu có được hai môn đệ, vui vì hai môn đệ của mình có được một người thầy cao cả và xứng đáng hơn mình. Nhưng cũng buồn vì mình đã bị mất mát một cái gì rất thân quí. Giữa vui và buồn ấy, đối với một người thật sự quan tâm tới công việc chung, thì cái vui ấy sẽ lấn át cái buồn, và nỗi buồn chỉ là thoáng qua.

Khi ta giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người, rao giảng, dạy dỗ về Ngài, chắc chắn vì sự giới thiệu, dạy dỗ ấy, nhiều người sẽ nhận ta là thầy, và theo làm môn đệ ta. Ngoài ra, ta còn được biết bao người kính trọng, nể phục, khen ngợi, đồng thời dành cho ta nhiều ưu tiên, đặc quyền đặc lợi nào đó. Ban đầu có thể ta không hề nhắm tới những điều phụ thuộc này, nhưng khi đã hưởng được những ưu đãi hay đặc quyền đặc lợi ấy, lòng ta bắt đầu cảm thấy gắn bó với chúng, đến nỗi nếu không có những ưu đãi hay đặc quyền đặc lợi ấy, ta cảm thấy thiếu thốn, bực bội. Từ đó, như một phản xạ có điều kiện, khi ta giới thiệu hay rao giảng về Đức Giêsu, phản ứng tự nhiên của ta là đòi hỏi những ưu đãi hay đặc quyền đặc lợi ấy. Và cuộc đời tông đồ của ta dần dần bị biến chất

Ta không còn quan tâm chính yếu tới Đức Giêsu mà ta đang giới thiệu, rao giảng, nhưng ta lại tìm chính ta, tìm danh vọng, địa vị, ưu đãi trong chính công việc tưởng chừng rất thánh thiện ấy. Và khi bổn phận tông đồ buộc ta phải từ bỏ chúng, ta không thể chấp nhận được. Ta cố níu lại cho bằng được những thứ ấy. Đó chính là một trong những cám dỗ rất thường gặp nơi những người làm tông đồ, những người giới thiệu Đức Giêsu như Gioan Tẩy giả. Thiết tưởng chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo kẻo sa vào chước cám dỗ ấy, vì có biết bao người đã chìm đắm trong đó rồi!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con biết Cha là Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu giới thiệu, và biết được Đức Giêsu là nhờ Giáo Hội, nhờ một ai đó giới thiệu. Nhờ đó, con được diễm phúc biết và yêu mến Cha, biết và tin theo Đức Giêsu để được cứu độ. Vì thế, con cảm thấy mình thật ích kỷ nếu không tiếp tục giới thiệu cho những người khác nữa biết về Cha, về Đức Giêsu. Nhưng xin hãy cho con biết và tin đích thực, đồng thời sống thật sự niềm tin ấy trước khi giới thiệu niềm tin ấy cho người khác. Amen.

Nguyễn Chính Kết


Friday, January 8, 2021

TN01 - Sống tinh thần tự hủy để yêu thương, để con người thánh trong ta phát triển




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa

(Chúa Nhật thứ 1 Thường Niên)

(ngày 10-01-2020)

Sống tinh thần tự hủy để yêu thương, 
để con người thánh trong ta phát triển



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 42,1-4.6-7: (1) Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân (4) Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu.

  Cv 10,34-38: (38) Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.


  TIN MỪNG: Mc 1,7-11

Đức Giêsu chịu phép rửa?

(7) Khi ấy, ông Gioan Tẩy Giả rao giảng rằng: «Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. (8) Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần».  

(9) Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. (10) Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. (11) Lại có tiếng từ trời phán rằng: «Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con».





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Câu nói của Gioan Tẩy giả trong bài Tin Mừng cho thấy ông là người thế nào? Có thể rút ra bài học gì cho những người loan báo hay rao giảng Đức Giêsu? Nếu không sống tinh thần tự hủy, thì việc loan báo hay rao giảng cuối cùng nhằm ích lợi cho ai?
2. Muốn con người thánh ở trong ta lớn lên và làm chủ, thì con người phàm phải làm gì? Hai con người ấy có thể cùng lớn lên không?

Suy tư gợi ý:

1.  Tinh thần tự hủy của người rao giảng Đức Giêsu

Trong bài Tin Mừng, ta thấy có hai nhân vật chính: Gioan Tẩy giả và Đức Giêsu. Trong hai người, Gioan Tẩy giả là người phàm, đến trước để loan báo; còn Đức Giêsu là Thiên Chúa, là con người thần linh, đến sau để giải phóng nhân loại. Như thế ta thấy: người phàm đến trước loan báo cho con người thần linh đến sau. 

Để chu toàn nhiệm vụ loan báo, Gioan Tẩy giả phải thực hiện tinh thần tự hủy hoàn toàn, nghĩa là hoàn toàn xóa mình đi, coi mình không là gì cả, có như thế vai trò của người mình loan báo mới được nổi bật lên: «Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người» (Mc 1,7); «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30)

Người loan báo hay rao giảng được kêu gọi và lên tiếng không phải vì mình, nhưng vì Đấng mà mình loan báo hay rao giảng. Vì thế, muốn loan báo hay rao giảng thật sự đúng nghĩa, chúng ta cần phải sống tinh thần tự hủy, tự xóa mình khi thực hiện công việc này. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta dễ bị cám dỗ coi việc loan báo hay rao giảng Tin Mừng như một phương tiện để làm cho mình nổi bật lên, được mọi người ca tụng là mình đạo đức, viết hay, giảng hay. Tới một lúc nào đó, chúng ta bắt đầu có khuynh hướng vì mình nhiều hơn vì Chúa. Lúc ấy, một cách nào đó, ta biến Chúa trở thành người loan báo cho ta, làm ta nổi bật lên

Có thể ban đầu ta hoàn toàn vì Chúa, nhờ đó ta rao giảng về Ngài rất hay, mọi người ca tụng ta là người đạo đức, là «có lửa». Từ khi có danh thơm tiếng tốt ấy, ta bắt đầu bị cám dỗ bảo vệ danh tiếng ấy, và làm cho danh tiếng ấy ngày càng mạnh lên. Danh tiếng ấy có thể giúp ta dễ «thăng quan tiến chức» trong Giáo Hội hay ngoài xã hội. Ta bắt đầu ngày càng trở nên «vì mình» hơn và bớt «vì Chúa» đi. Dần dần ta trở nên kẻ háo danh lúc nào không hay. 

Từ háo danh đến ham quyền, từ ham quyền đến cố vị chỉ là những bước rất ngắn. Một khi đã ham quyền cố vị rồi, ta dễ dàng bị cám dỗ làm những điều tán tận lương tâm. Vì quyền bính là một con dao hai lưỡi, tuy cần thiết để phục vụ đại chúng, nhưng lại có khả năng tha hóa rất mạnh. Vì thế, những người loan báo hay rao giảng Tin Mừng – nhất là những người đã thành công trong lãnh vực này và đang nắm những địa vị quan trọng trong Giáo Hội hay xã hội – rất cần tinh thần phản tỉnh để luôn luôn tỉnh táo đối với chính mình: «Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn» (Mt 26,41; Mc 14,38)

Thực tế cho thấy nhiều người khi chưa nắm quyền bính thì tinh thần phục vụ rất cao, nhưng khi đã nắm được quyền bính thì trở nên khác hẳn. Nhiều anh hùng dân tộc, nhiều chức sắc tôn giáo đã bị tha hóa vì quyền lực.



2. Phàm nhân và thánh nhân trong mỗi người

Bài Tin Mừng hôm nay còn có thể hiểu theo một chiều kích khác rất sâu xa: chiều kích tâm linh. Trong đó, Gioan Tẩy giả và Đức Giêsu tượng trưng cho hai khía cạnh trong cùng một con người: Gioan Tẩy giả tượng trưng cho con người phàm của ta, và Đức Giêsu tượng trưng cho con người thánh, con người thần linh, siêu phàm ở trong ta. Chính con người thần linh này trong mỗi người là yếu tố cốt yếu khiến con người là «hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,26-27; 9,6), «giống như Thiên Chúa» (St 1,26b). Đó là chính bản tính Thiên Chúa của Ngài được thông ban cho chúng ta: «Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa» (2Pr 1,4). Chính nhờ có bản tính thần linh thánh thiện này trong bản thân mà Đức Giêsu mới có thể mời gọi ta nên thánh: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48)

Giữa con người với con chó, khoảng cách hữu thể tuy không xa, vì cùng là tạo vật, nhưng con chó không bao giờ có thể trở thành người như con người dù có cố gắng luyện tập đến đâu, vì trong con chó không có bản tính con người. Còn giữa con người với Thiên Chúa tuy là một khoảng cách vô tận, nhưng con người có thể nên hoàn thiện, nên thánh như chính Thiên Chúa, vì trong con người đã có sẵn bản tính Thiên Chúa mà Ngài thông truyền cho. Nếu bản thân con người không có bản tính Thiên Chúa thì lời Đức Giêsu mời gọi con người nên hoàn thiện như Thiên Chúa là tuyệt đối bất khả thi, và câu nói đó trở thành vô nghĩa. 

Tuy nhiên, sống hoàn thiện như Thiên Chúa không phải dễ, vì bên cạnh con người thánh ấy luôn luôn có một con người phàm. Một danh nhân nào đó nói: «Trong lòng mỗi người, vừa có một vị thánh vừa có một con thú». Thật vậy, có những lúc ta suy nghĩ và hành động như một vị thánh, nhưng cũng có rất nhiều lúc ta lại hành động như một con thú. Và dường như vị thánh và con thú trong bản thân ta phải luôn luôn tranh đấu với nhau để dành thắng thế hầu làm chủ bản thân ta. 

Có người thì vị thánh thường thắng thế và làm chủ, còn lắm người thì bị con thú thường khống chế toàn bộ con người. Thánh Kinh có nói đến tình trạng trái ngược giữa hai con người này: 

●  «Tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn» (Gl 5,17)

●  «Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí» (Rm 8,5)

●  Kết quả của hai cách sống đối nghịch ấy là: «Nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống» (Rm 8,13)

a) Con người phàm thì sống theo xác thịt: 

Bản chất của con người phàm là chỉ biết sống cho mình, sống ích kỷ, có khuynh hướng «phình to bản ngã». Vì thế, con người phàm chỉ quan tâm tới những tham vọng hay lợi lộc ích kỷ của mình, tự coi mình là cái rốn của vũ trụ, muốn mọi người phải phục vụ mình, luôn luôn coi ý riêng của mình là quan trọng, thích lèo lái mọi người theo ý riêng của mình… Kinh Thánh nói về tính cách của phàm nhân: «Những kẻ sống theo xác phàm thì hay mơ ước những gì xác phàm đòi hỏi» (Rm 8,5); «Họ khoe mình khôn sáng nhưng đã nên điên dại» (Rm 1,22); «Ý tưởng họ hóa ra tối tăm, vì họ lìa xa sự sống Chúa Trời» (Ep 4,18); «Lòng trí họ miên man theo điều phù phiếm, họ ngu muội đắm chìm trong bóng tối tăm» (Rm 1,21).

b) Con người thánh sống theo Thần Khí: 

Con người thánh là con người sống vị tha, sống theo Thần Khí, theo sự hướng dẫn của lẽ phải, của chân lý, công lý và tình thương. Hành động không bị chi phối bởi những động lực vị kỷ, dục vọng, ý muốn riêng tư, mà bởi tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Khi không còn sống cho bản thân mình nữa, con người thánh trở nên có nhiều sức mạnh tinh thần, luôn khôn ngoan, sáng suốt, can đảm, tâm hồn luôn bình an hạnh phúc, thứ bình an hạnh phúc nội tâm không ai ban được mà cũng không ai lấy mất được, ngoại cảnh không còn làm họ làm đảo điên, đau khổ nữa. 


3. Phàm nhân có nhỏ lại thì thần nhân mới lớn lên được

Nơi mỗi con người, phàm nhân được khám phá và ý thức trước tiên. Dần dần con người khám phá ra một tiếng nói, một khuynh hướng, một lực lượng thầm kín – nhiều khi rất mạnh mẽ – lôi kéo mình lên khỏi những ích kỷ cá nhân của phàm ngã. Đó là thần ngã hay con người thánh. Vấn đề là làm sao để thần ngã này lớn lên? Bài Tin Mừng cho ta một bí quyết: Gioan Tẩy giả – tượng trưng cho phàm ngã – đã tự hạ, tự hủy để làm cho Đức Giêsu – tượng trưng cho thần ngã – nổi bật lên. Gioan từng nói: «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30).

Phàm nhân lúc nào cũng muốn được nổi bật, được phình to lên, nhưng nếu ta chiều theo phàm ngã, thì phàm ngã sẽ lớn mạnh và lấn át thần ngã, làm thần ngã trở nên yếu ớt. Nhưng nếu ta sống tinh thần tự hủy, làm phàm ngã nhỏ lại, thì tự nhiên thần ngã sẽ lớn và mạnh lên. Hai lực lượng ấy luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau: lực này lớn thì lực kia nhỏ lại, lực này yếu thì lực kia mạnh lên. Vì thế, muốn thần ngã lớn lên, thì phải làm cho phàm ngã nhỏ đi. Không gì làm phàm ngã nhỏ đi bằng sống tinh thần tự hủy, tự xóa mình: coi mình chẳng là gì cả, như một người nhỏ bé không có gì là quan trọng, không cố ý làm gì để lôi kéo sự chú ý của người khác. Nhất là không bao giờ đòi hỏi ý riêng của mình phải được thực hiện, mà trái lại sẵn sàng thực hiện thánh ý Thiên Chúa.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin hãy biến cải con thành một con người mới, con người sống theo Thần Khí chứ không theo những đòi hỏi của phàm ngã. Nhờ đó bản tính thần linh mà Cha đã gieo mầm vào trong bản thân con nẩy mầm và phát triển. Và hy vọng một ngày kia Cha có thể nói với con như xưa Cha đã nói với Đức Giêsu: «Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con». Xin giúp con đạt được điều ấy. Amen.

Nguyễn Chính Kết